Tăng chất lượng sống nhờ đọc sách sớm

GD&TĐ - Văn hóa đọc là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa của một dân tộc. Thế nhưng, thời gian gần đây, khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy số lượng người đọc sách giảm đi một cách rõ rệt.

83% học sinh tiểu học Mỹ thích nghe bố mẹ đọc sách.
83% học sinh tiểu học Mỹ thích nghe bố mẹ đọc sách.

Thay cho câu châm ngôn: “Hãy cho tôi biết bạn đang đọc gì, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”, nay người ta nói: “Hãy cho tôi biết bạn đọc sách không, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”.

Truyện tranh - bước khởi đầu

Chúng ta thường phàn nàn HS ngày nay ít đọc sách hơn. Trò chơi điện tử và mạng xã hội đã hoàn toàn nuốt chửng thời gian rảnh rỗi của các em. Ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, tình hình cũng diễn ra tương tự. Nhưng dù sao vẫn còn những người tiếp tục làm bạn với sách. Thói quen đọc sách giấy vẫn được duy trì. Người ta thường cho rằng, trẻ em Mỹ không đọc gì ngoài truyện tranh. Bức biếm họa một thiếu niên Mỹ tay phải cầm gậy bóng chày, tay trái cầm cuốn truyện tranh đã khái quát hóa vấn đề này.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trẻ em Mỹ cũng rất khác nhau. Có em không đọc gì ngoài truyện tranh, có em coi truyện tranh chỉ là khởi đầu cho việc đọc sách nghiêm túc, là bước đầu tiên mà sau khi trải qua, các em vĩnh viễn bỏ lại trong thời thơ ấu không một chút nuối tiếc. Có những em ném truyện tranh vào sọt rác...

Một cuộc điều tra gần đây trên quy mô lớn với tên gọi “Trẻ em đọc gì?” được tiến hành ở Mỹ cho thấy, có hai yếu tố quyết định sự trưởng thành của bạn: Những người mà bạn tiếp xúc và những cuốn sách bạn đọc. Hóa ra, 70% trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ từ 6 - 17 tuổi thích đọc một thứ gì đó vui nhộn. Khi được hỏi về những cuốn sách yêu thích, các em trả lời: “Những cuốn sách khiến bạn cười”. Điều này rất dễ hiểu. Khi còn là trẻ em, họ là những người rất lạc quan.

Theo thống kê gần đây, 17% HS tiểu học Mỹ đọc sách mỗi ngày sau giờ học, còn 33% những em được hỏi - chỉ đọc ở trường “theo chương trình bắt buộc”. 83% HS tiểu học vẫn thích được bố mẹ đọc cho nghe. Điều này cũng dễ hiểu. Ở đây, nhiều khả năng không phải là do các em lười đọc, mà là mong muốn được tiếp xúc với bố mẹ (vốn luôn bận rộn) trong bầu không khí tin cậy tuyệt đối và tinh thần thoải mái bên ngọn đèn ấm áp.

Trẻ thích đọc sách gì?

Với câu hỏi “Cuốn sách yêu thích của bạn là gì?”, 90% học sinh Mỹ trả lời “… đó là những cuốn sách em có thể tự chọn” (chứ không phải theo lệnh của người lớn). Vậy các em chọn gì? Hơn 50% HS được hỏi thích khoa học viễn tưởng. 43% thích các nhân vật có cá tính mạnh mẽ, người hùng mà các em muốn bắt chước và noi gương (không nhất thiết là nhân vật có thực, mà có thể là một hình tượng phổ quát nào đó, kết quả trí tưởng tượng phong phú của nhà văn).

Khoảng chừng ấy độc giả trẻ ở Mỹ muốn nhận được thông tin chính xác về cuộc sống của tổ tiên các em và của chính các em, 40% số em được hỏi thích đọc sách khoa học thường thức hoặc bách khoa toàn thư về bất kỳ lĩnh vực nào. Cuối cùng, 41% HS được hỏi nói thích đọc truyện trinh thám. 

Truyện tranh có tác dụng giải trí, còn văn học nuôi dưỡng tâm hồn. Việc đọc sách được khuyến khích trong các trường phổ thông Mỹ. Bằng cách mỗi HS có một  reading diary (“Nhật ký đọc sách”). Những em đọc hơn năm cuốn sách trong kỳ nghỉ hè sẽ nhận được huy chương đặc biệt (tất nhiên, không phải vàng, nhưng cũng không phải bằng socola). Cùng với quà tặng là một cuốn sách và giấy chứng nhận giảm giá sâu khi mua sách mới tại cửa hàng sách ở địa phương. Đó là chưa kể sự quý mến của các thầy giáo và những tràng pháo tay khích lệ của các bạn đồng môn, vốn rất quan trọng đối với thiếu niên Mỹ.

Ít nhất ba lần trong năm, HS Mỹ được đến thăm thư viện thành phố gần trường nhất, nơi các thủ thư kể cho các em nghe về những cuốn sách, tác giả của chúng và những bí mật của nghề thư viện. Đồng thời, các cán bộ thư viện cũng là những vị khách quý thường xuyên của các trường.

Một quy định bắt buộc của các trường phổ thông, cao đẳng và đại học là hội chợ sách hằng năm (thậm chí thường xuyên hơn). Phần lớn số tiền quyên góp được ở hội chợ dùng để mua sách cho thư viện của trường. Những cuốn sách hơi cũ đã có sách mới thay thế được các thư viện biếu không cho tất cả những người có nhu cầu.

Mỗi hiệu sách lớn đều có các câu lạc bộ thiếu nhi. Vào những ngày nghỉ, tại đây các tình nguyện viên đọc sách cho trẻ em nghe (hoàn toàn miễn phí). Thông thường, họ là SV các trường sân khấu hoặc các khoa ngữ văn. Sau khi đọc xong, HS được thảo luận sôi nổi.

Không phải trẻ em nào cũng thích đọc truyện tranh.
 Không phải trẻ em nào cũng thích đọc truyện tranh.

Chiến lược mới về đọc sách

Tại các hiệu sách ở Mỹ, có những người chuyên gia tư vấn cho các bậc phụ huynh về cuốn sách hay để chọn làm quà cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Một trong những tiêu chí về cuốn sách là huy chương John Newbery. Đó là một dấu chất lượng của văn học thiếu nhi Mỹ đã kinh qua thử thách.

John Newbury là một trong những chủ xuất bản văn học thiếu nhi thành công nhất ở thế kỷ XVIII. Tên ông được đặt cho giải thưởng sách thiếu nhi danh giá nhất của Mỹ.  Ý tưởng này không phải do các nhà văn, mà là thủ thư đề xướng. Năm 2020, giải thưởng mang tên John Newbury sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

Tư tưởng chính của văn học thiếu nhi Mỹ đương đại là không khuất phục trước khó khăn. Hãy đề ra mục tiêu và đạt được nó, nhưng không phải bằng mọi giá. Hãy rèn luyện tinh thần mạnh mẽ và tốt hơn nữa – cả tinh thần và thể chất. Hãy dũng cảm và nhân hậu. Hãy giúp đỡ kẻ yếu. Hãy khiêm tốn. Phải thừa nhận rằng điều này không hoàn toàn trùng khớp với bức tranh biếm họa về người Mỹ một tay cầm gậy bóng chày, tay kia cầm truyện tranh mà chúng ta đã nói ở trên. Ít ra thì trong các gia đình trí thức Mỹ, trẻ em được giáo dục bằng loại văn học này.

Tuy nhiên, toàn bộ nền văn học thiếu nhi trên thế giới, cũng như chính tuổi thơ, đều hướng tới tương lai. Các nhà xã hội học nhận xét, càng bắt đầu đọc sách sớm, cuộc sống của bạn càng chất lượng.

Các chiến lược mới giúp trẻ em đọc sách đang được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới với một số tiền rất lớn. Ví dụ, Nhật Bản đã ban hành một bộ luật đặc biệt để hỗ trợ trẻ em đọc sách. Lo lắng về trình độ kiến thức của HS Nhật Bản, ngay từ năm 2002, người Nhật Bản đã xây dựng một chiến lược quốc gia nhằm trợ giúp thanh thiếu niên đọc sách.

Đọc sách không chỉ là cầu nối từ thế giới hiện thực sang thế giới lý tưởng (và ngược lại) mà còn là cầu nối giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành.

Theo ug.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.