Nhiều phụ huynh phản ánh rằng con họ chỉ thích xem phim, chơi game,… chứ không chịu đọc sách. Vậy làm gì để tạo thói quen đọc sách cho học sinh?
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh đọc sách
Cách thuyết phục hay nhất để tạo thói quen đọc sách cho trẻ là xây dựng thư viện trường học thân thiện. Đó là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thông tin, xây dựng thói quen đọc sách; tạo điều kiện và để học sinh tích cực tham gia các hoạt động của thư viện; sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả; hỗ trợ cho việc dạy học tích cực, dạy và học mọi lúc, mọi nơi.
Tùy vào điều kiện cụ thể của nhà trường để xây dựng thư viện thân thiện phù hợp. Thí dụ, có thể xây dựng Thư viện trường học đa chức năng, nhằm phục vụ đọc sách và tạo cho trẻ em phát triển tiềm năng của mình một cách tự do. Thư viện có thể xây dựng các góc học tập (gồm cả sách về chủ đề, các mô hình, trò chơi….) như góc sáng tạo: gồm sách khoa học, mô hình máy bay, ô tô, các vật dụng thí nghiệm, các dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình; góc văn hóa – nghệ thuật gồm sách về văn hóa, nghệ thuật, trang phục truyền thống, băng đĩa nhạc, ẩm thực dân gian, ảnh, tranh vẽ…
Mô hình thư viện thân thiện phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, mang lại cho các em nhiều lợi ích đọc sách. Trong từng góc thư viện, học sinh có thể tham gia các hoạt động đa dạng, phong phú, có điều kiện để phát triển tiềm năng của mình. Thư viện góc lớp là các giá, tủ để sách để ở cuối lớp thuận tiện cho các em tìm đọc.
Học sinh có thể đọc sách bất kỳ lúc nào khi có thời gian rỗi, không cần xuống thư viện, giáo viên đứng lớp là người hướng dẫn đọc, học sinh tự quản lý tủ sách (các em học sinh có thể mang sách của mình đến lớp, trao đổi cho nhau để đọc). Ngoài ra, có thể xây dựng Thư viện ngoài trời (sách được để trong các giỏ, túi treo dưới tán cây xanh, hành lang lớp học, gầm cầu thang..) hay Thư viện lưu động (sách được để trong các thùng, hộp có bánh xe đẩy đi khắp sân trường giúp học sinh có thể tiếp cận gần gũi với sách).
Tạo hứng thú đọc sách cho học sinh
Giúp học sinh hóa thân thành một nhân vật trong các cuốn sách: Cho học sinh chọn các nhân vật trong sách mà các em yêu thích và hóa thân thành nhân vật đó. Hoạt động này được thực hiện sau khi học sinh đọc xong mỗi cuốn sách. Các em có thể hóa thân theo nhiều hình thức như: Viết, vẽ, đóng vai,… nhân vật mình yêu thích.
Giáo viên định hướng cho học sinh đọc sách: Phần lớn các ngữ liệu trong môn Tiếng Việt ở tiểu học là trích đoạn của các câu chuyện, tác phẩm, cho nên học sinh không được học trọn vẹn về câu chuyện, tác phẩm đó. Vì vậy, sau khi học xong bài học, giáo viên nên định hướng, kích thích học sinh tìm đọc thêm về câu chuyện, tác phẩm đó.
Ví dụ: Sau khi học sinh học xong bài tập đọc “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” ở lớp 4, giáo viên hướng dẫn học sinh đến thư viện nhà trường tìm đọc thêm tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
Mặt khác, các bài học ở sách giáo khoa tiểu học được thiết kế theo các chủ đề, chủ điểm nên khi học về các chủ đề, chủ điểm này, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc các câu chuyện liên quan đến các chủ đề, chủ điểm đang học để mở rộng vốn từ, khám phá thêm những điều liên quan đến bài học.
Tổ chức các hoạt động thư viện nhằm tạo thói quen đọc sách cho học sinh
Xây dựng thời khóa biểu, tổ chức tiết đọc thư viện: Thời gian học của học sinh tiểu học là liên tục, thời gian nghỉ giữa buổi cũng rất ngắn lại còn phải tham gia nhiều hoạt động tập thể khác nên nếu không bố trí tiết đọc vào thời khóa biểu một cách khoa học thì thật khó tổ chức các hoạt động thư viện một cách nền nếp và hiệu quả, khó tạo thói quen đọc sách cho học sinh.
Hoạt động trong tiết đọc Thư viện có thể là đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân hoặc tổ chức kể chuyện theo sách, sắm vai nhân vật hay viết vẽ về những gì đã đọc … theo định hướng của giáo viên.
Tăng cường các hoạt động khuyến đọc
Để tạo thói quen đọc sách cho học sinh, các nhà trường cần tổ chức các hoạt động khuyến đọc, như: Tổ chức giới thiệu sách, thi kể chuyện theo sách, kể chuyện theo chủ đề, thi đọc diễn cảm, thi đọc thuộc lòng thơ theo chủ đề, tổ chức ngày “Đọc sách gia đình”, trình bày sản phẩm viết, vẽ theo sách, phát thưởng cho học sinh đọc được nhiều cuốn sách.
Hình thành thói quen đọc sách là một quá trình thường xuyên, liên tục và lâu dài vì vậy nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc động viên khuyến khích học sinh đọc sách ở nhà.