Tăng chất cho đội tuyển HSG Lịch sử

GD&TĐ - Giải pháp của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mỹ - Trường THCS An Hiệp (Châu Thành, Bến Tre) góp phần nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử và chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Lịch sử cấp THCS.

Tăng chất cho đội tuyển HSG Lịch sử

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, chất lượng dạy học môn Lịch sử nói chung, chất lượng đội tuyển HSG Lịch sử nói riêng còn chưa được như mong muốn hiện nay có nhiều nguyên nhân.

Trước hết, về phía giáo viên: Còn nặng về cung cấp kiến thức một chiều, nội dung bài học chưa sâu sắc. Trong bồi dưỡng còn dàn trải kiến thức, chưa định hướng nội dung trọng tâm.

Trong tiết dạy còn xem nhẹ việc rèn kĩ năng cho các em trong học tập và làm bài kiểm tra và chỉ chú ý việc học thuộc lòng, chưa hướng dẫn học sinh cách tự học ở nhà…

Phía học sinh, còn trông chờ vào giáo viên cung cấp kiến thức, ít học sinh có tính tự học, tự rèn tốt.

Chưa biết cách sử dụng tư liệu tham khảo, chưa khai thác triệt để kiến thức trong sách giáo khoa phục vụ bài học và làm bài kiểm tra.

Các học sinh trong đội tuyển thường lấy từ nguồn học sinh thi trượt các môn tự nhiên nên các em chưa thật sự giỏi, chưa có sự vượt trội về kĩ năng.

Học sinh không có thời gian nhiều để học và làm bài tập môn bồi dưỡng (vì các em phải học trái buổi các tiết chính khóa, các tiết tăng cường, các em do phải dành thời gian nhiều cho việc học các môn tự nhiện…)

Để tăng hiệu quả dạy học, bồi dưỡng, cô Mỹ cho rằng, giáo viên cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học tích cực có hiệu quả; mạnh dạn định hướng nội dung trọng tâm trong công tác bồi dưỡng; chú ý rèn các kĩ năng cho học sinh trong học tập, trong làm bài kiểm tra và rèn cho học sinh biết cách tự học ở nhà…

Phía học sinh: Rèn cách tự học, tự tìm tòi kiến thức, không trông chờ, ỉ lại vào giáo viên

Tập sưu tầm tư liệu, biết khai thác triệt để nội dung sách giáo khoa để phục vụ cho bài học và bài kiểm tra

Đồng thời, sắp xếp thời gian học một cách hợp lý, đầu tư nhiều thời gian học vào bộ môn bồi dưỡng.

Phát hiện học sinh tiềm năng

Công việc phát hiện học sinh giỏi ở bộ môn luôn giữ một vai trò rất quan trọng, nếu các em không ham thích bộ môn hiệu quả bồi dưỡng sẽ không cao.

Do đặc thù của Trường THCS An Hiệp nên việc tuyển chọn học sinh giỏi được tiến hành từ đầu học kì II của năm lớp 8. Nếu giáo viên trực tiếp giảng dạy thì việc tuyển chọn thuận lợi hơn vì thông thường trong giờ học các em có cơ hội để phát huy năng lực, sở trường của mình.

Có thể nhìn vào một số yếu tố sau để phát hiện các học sinh tiềm năng: Các em chuẩn bị bài chu đáo, suốt giờ học luôn tham gia phát biểu xây dựng bài có hiệu quả.

Trong các câu hỏi thông hiểu và vận dụng, có sự sáng tạo, nhạy bén cao hơn những em khác, trong quá trình học tập các em này luôn chú ý nghe giảng, thích đuợc giáo viên đưa ra những câu hỏi khó, những tình huống để giải quyết, các em có cách lập luận khá chặt chẽ trong giải quyết vấn đề. Số điểm trong các bài kiểm tra của các em này thường cao hơn các bạn khác…

Nội dung bồi dưỡng

Đối với bộ môn Lịch sử từ năm học: 2004 - 2005 trở lại đây, giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi kể cả cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện theo Hướng dẫn của Sở GD&ĐT Bến Tre.

Cụ thể như sau:

Lịch sử Việt Nam:

Các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII

- Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938

- Cuộc kháng chiến chống Tống của Lê Hoàn năm 981

- Cuộc kháng chiến chống Tống của nhà Lý (1075 - 1077)

- Ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên của nhà Trần

- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427)

- Kháng chiến chống Xiêm (1785)

- Kháng chiến chống Thanh (1789)

Các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1858 đến nửa cuối thế kỉ XIX

Phong trào chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918

Việt Nam từ năm 1919 đến Cách mạng tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Lịch sử thế giới: Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay

Hình thức bồi dưỡng

Cùng với nội dung bồi dưỡng môn Lịch sử mà Sở GD&ĐT quy định, có giáo viên bồi dưỡng đạt hiệu quả, có giáo viên bồi dưỡng hiệu quả không cao.

Đây là vấn đề khó lí giải, nhưng qua nhiều năm làm công tác bồi dưỡng, cô Mỹ nhận thấy: Nếu chỉ tập trung bồi dưỡng 1 tuần 3 tiết như trường phân công thì không có hiệu quả mà trong từng tiết dạy trên lớp, giáo viên phải giúp học sinh nắm chắc, hiểu sâu sự kiện lịch sử qua những câu hỏi nêu và giải quyết vấn đề, cuối tiết ra bài tập làm ở nhà nhằm khắc sâu kiến thức đã học trên lớp…

Nghĩa là công tác bồi dưỡng đã được lồng ghép trong từng tiết dạy trên lớp. Mỗi tuần giáo viên sắp xếp cho các em một buổi bồi dưỡng ở trường, hướng dẫn các em cách tự học ở nhà, ra bài tập nâng cao kiến thức và hướng dẫn các em cách làm…

Xem kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Ngọc Mỹ áp dụng vào từng bài học cụ thể TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ