Không khó để đạt điểm cao môn Lịch sử

GD&TĐ - Thầy Hoàng Văn Sum, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình (Cà Mau) cho biết: Muốn học tốt môn Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung, học sinh cần có thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi hợp lí.

Không khó để đạt điểm cao môn Lịch sử

Không nên dồn ép học quá nhiều gây áp lực và càng không nên học khuya đến 1 – 2 giờ sáng mà cần có thời gian nghỉ, vui chơi giải trí phù hợp để giảm căng thẳng mới tiếp thu bài nhanh chóng và nhớ lâu.

Đặc biệt, cần hệ thống toàn bộ chương trình lịch sử lớp 12, dạng sơ đồ theo từng giai đoạn, trong mỗi giai đoạn có những sự kiện nào lớn, bản chất của từng sự kiện…

Sau đó, phân phối thời gian học cho từng giai đoạn, sự kiện. Khi đã nắm được bài cần tự tưởng tượng, viết đi viết lại nhiều lần cho nhớ. Tuyệt đối không nên học “vẹt”, học “tủ”.

Đặc biệt, cần lưu ý một số cách học sau:

Học sử, nên học theo giai đoạn. Cụ thể lịch sử Việt Nam có các giai đoạn sau: 1919 - 1930; 1930 - 1945; 1945 - 1954; 1954 - 1975; 1975 - 2000. Các em cần nắm vững những kiến thức cơ bản của từng giai đoạn. Muốn vậy, hãy soạn đề cương về những vấn đề cơ bản của từng giai đoạn.

Khi soạn đề cương cho từng giai đoạn, bạn nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó. Bạn nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học nhảy cóc lung tung…

Khi học, nên sơ đồ hoá kiến thức một cách ngắn gọn cho dễ nhớ.

Ví dụ, về hoàn cảnh của việc ký kết Hiệp định Pari tháng 1-1973, nên sơ đồ hoá ngắn gọn: Thất bại 12 - 1972 → ký Hiệp định Pari 1973.

Nhưng khi trình bày, phải viết đầy đủ như sau: Thất bại nặng nề trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 - 1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari…

Học bằng cách sơ đồ hoá kiến thức như vậy vừa dễ nhớ vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài, từ tổng hợp đến khái quát và triển khai các ý…

Trong quá trình học phải biết xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm, không nên trong sách giáo khoa có gì là học nấy.

Nếu không có phương pháp, không biết đâu là kiến thức cơ bản mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”, khi thi sẽ lẫn lộn, viết lan man, không có trọng điểm.

Sau khi học xong một vấn đề, một giai đoạn, cần tự kiểm tra kiến thức mà mình đã học bằng cách trình bày ra giấy, không nên chỉ hình dung đại khái trong đầu. Khi viết, không được sử dụng tài liệu.

Sau khi viết cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thi cần học lại và viết lại.

Việc làm này cực kỳ quan trọng, nó vừa giúp các em rèn luyện kỹ năng làm bài, vừa giúp khắc sâu kiến thức.

Nếu các em chỉ học thuộc bằng miệng thì sẽ không thể khắc sâu kiến thức được, nhìn vào tài liệu là em thuộc làu một cách trôi chảy nhưng khi đặt bút viết ra giấy là “bí” hoặc thiếu sót nhiều ý.

Do đó, các em phải chịu khó viết ra giấy để biết chắc là mình đã nắm vững kiến thức. Nhiều em bỏ qua khâu này, cứ tưởng là mình đã thuộc nên khi thi cầm bút viết mới bị… “bí”, thiếu ý và…mất điểm.

Khi làm bài thi bên cạnh việc trình bày những sự kiện mà đề bài yêu cầu cần có những lời bình, nhận xét về các sự kiện đó. Chú ý đến hình thức của bài làm lịch sử phải sạch, đẹp, rõ ràng, các vấn đề trình bày phải lôgíc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.