Học sinh không bao giờ bỏ rơi môn Lịch sử!

GD&TĐ - Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý giáo dục, học sinh... xung quanh việc chọn thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. 

Học sinh hào hứng đón nhận phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014
Học sinh hào hứng đón nhận phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014

Với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, học sinh tự chọn thi môn Sử không nhiều như các môn học khác, khiến nổi lên một số nhận định: Thế hệ trẻ quay lưng với môn Lịch sử, không có tinh thần yêu nước…

Xung quanh vấn đề này, báo GD&TĐ đã trao đổi với các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhà quản lý giáo dục địa phương, học sinh giỏi quốc tế các môn Vật lý, Hóa học… Dù khác nhau về độ tuổi, trình độ, lĩnh vực nghiên cứu… nhưng câu trả lời chung là: Học sinh không bao giờ bỏ rơi môn Lịch sử!

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội

“Nếu môn học nào cũng bắt buộc thi, chúng ta lại giáo dục ra những con người đồng bộ”

Tôi cho rằng giảm các môn học xuống còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn là phù hợp với chương trình SGK mà chúng ta sắp đổi mới, gắn với xu hướng 2 năm cuối cùng của giáo dục phổ thông đẩy mạnh việc lựa chọn các môn học theo chuyên đề.

Nếu thi rải đều sẽ không đúng với chủ trương này, vì không phải học sinh nào cũng học đầy đủ các môn. Vì vậy 2 môn Toán, Ngữ văn là bắt buộc. Còn các môn khác ta để học sinh lựa chọn theo sở thích, định hướng nghề nghiệp. Giờ nếu thi những môn các em không học thì làm sao mà thi được.

Theo tôi, bắt buộc môn thi như vậy là không đúng. Chương trình SGK phổ thông đổi mới sau 2015 không quy định học sinh học tất cả các môn. Có hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn các môn còn lại đều nằm trong các môn tự chọn. Giả sử các em 2 năm cuối không chọn học môn Lịch sử thì sao? Để biết về lịch sử của nước mình, lịch sử thế giới thì có nhiều cách làm, không chỉ có mỗi học rồi thi thì mới biết.

Dù đề xuất gì thì cũng cần phải phù hợp với định hướng đổi mới chương trình, SGK. Tôi cho rằng trong thi tốt nghiệp THPT, có môn tự chọn là một tư tưởng tiến bộ, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại, phù hợp với xu hướng chuẩn bị định hướng nghề nghiệp, giúp cho học sinh phát triển sở trường, sở thích của các em. Nếu cái gì cũng bắt buộc, cũng giống nhau thì chúng ta lại giáo dục ra những con người đồng bộ.

PGS.TS Phạm Văn Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

“Không thể đánh đồng các khái niệm”

Nếu các em không chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp không có nghĩa là các em không yêu thích môn này, hay các em không yêu nước. Thực tế, có rất nhiều em học khối tự nhiên vẫn rất giỏi Lịch sử. Vấn đề là các em lựa chọn môn thi phù hợp với sở trường và phù hợp với kỳ thi đại học sắp tới.

Hơn nữa, trong suy nghĩ của hầu hết học sinh đã có sự phân luồng, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi bước vào THPT. Trong khi đó, môn Sử lại không có tính đa dạng về ngành nghề, và đầu ra chưa thật sự hấp dẫn. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều em không lựa chọn môn học này để thi tốt nghiệp cũng như thi đại học.

GS Trần Đình Hòa - Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2013

“Học khối A không có nghĩa là quay lưng với môn Sử”

Không chọn thi Lịch sử không có nghĩa là quay lưng lại với lịch sử đất nước. Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bản thân tôi thời học sinh học đều tất cả các môn, trong đó có Lịch sử và cho đến bây giờ, tất cả những kiến thức đó với tôi đều có giá trị. Nhưng sau đó, tôi lựa chọn đi theo ngành Thủy lợi. Tuy nhiên, không thể nói vì đi theo ngành này mà tôi không có kiến thức lịch sử.

Không những thế, chính kiến thức lịch sử đã giúp tôi rất nhiều, dù không tác động trực tiếp đến chuyên môn. Bởi lịch sử là một phần rất quan trọng của kiến thức văn hóa, của nhận thức, cũng là yếu tố quan trọng tạo cho tôi động lực để học tập, công tác.

Đơn cử, nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc học được từ lịch sử giúp mình có lòng tự hào dân tộc, từ đó tự bản thân thấy cần phải phấn đấu nhiều hơn. Không nói đao to búa lớn như khi ra nước ngoài, ngay trong một vùng miền, nếu quê mình có một danh nhân lịch sử, văn hóa, chắc chắn ai cũng thấy tự hào và sẽ cố gắng nỗ lực để xứng đáng với niềm tự hào đó.

Các thí sinh sẽ ưu tiên chọn môn thi tốt nghiệp phù hợp với kỳ thi ĐH
Các thí sinh sẽ ưu tiên chọn môn thi tốt nghiệp phù hợp với kỳ thi ĐH 

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP HCM

“Yêu nước thể hiện ở nhiều góc độ”

Nói đến chuyện dạy - học Lịch sử, tôi nhớ lại chuyến sang Úc cách đây mấy năm. Ở đó, họ dạy Lịch sử Việt Nam đến 30 tiết. Vậy có thể kết luận rằng, người Úc không yêu nước hay sao?

Mục đích của việc dạy nội dung này là để họ tìm cách ra khỏi nỗi ám ảnh chiến tranh Việt Nam với những cách đặt vấn đề rất hay. Ví dụ: Nếu em là Thủ tướng Úc lúc bấy giờ, em có cho tham gia chiến tranh tại Việt Nam hay không? Hoặc: Nếu là một công dân bình thường, em có tham gia chiến tranh tại Việt Nam hay không?

Tôi nghĩ rằng, đó mới là những bài học về lịch sử, quan trọng hơn nhiều so với việc có thi hay không thi, học sinh có lựa chọn thi môn Lịch sử hay không? Bên cạnh đó còn là việc đánh giá như thế nào trong cả quá trình học tập, thời lượng dạy học Lịch sử ở trường học được đảm bảo phù hợp.

Tôi không đồng tình với quan điểm học sinh không chọn thi môn Lịch sử đồng nghĩa với các em không yêu lịch sử, không yêu nước. Vậy chẳng nhẽ, học sinh nào chọn môn Địa lý nghĩa là yêu đất nước, yêu thiên nhiên Việt Nam hơn???

Tôi rất tán đồng với quyết định của Bộ GD&ĐT trong việc quyết định thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Riêng với tự chọn, chắc chắn học sinh sẽ chọn môn theo sở trường và gắn liền với việc thi ĐH, CĐ. Ví dụ, các em thi khối A phần nhiều sẽ chọn Vật lý, Hóa học; còn thi khối C nghiêng về chọn Lịch sử, Địa lý.

Với Trường ĐHSP Thành phố HCM, tuyển sinh khoa Lịch sử hàng năm điểm đầu vào thường tương đương với ngành Địa lý - khoảng 15 - 16 điểm, chưa bao giờ tuyển sinh ngành này thấp xuống 14 điểm.

Riêng bản thân tôi, có thể không thể làu làu kiến thức lịch sử nhưng không ai có thể nói rằng như vậy là tôi không yêu nước. Nếu có ai đó nói không đúng, không tốt về dân tộc mình, chắc chắn sẽ sẵn sàng đứng ra bảo vệ. Để thấy rằng, phải xét sự thể hiện của lòng yêu nước ở góc độ khác chứ không phải ở việc có thi Lịch sử hay không.

Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT

“Số thí sinh lựa chọn khối C phù hợp với nhu cầu nhân lực đất nước”

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài 2 môn bắt buộc là Văn và Toán, mỗi thí sinh sẽ chọn 2 môn còn lại trong 6 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Nói vui, nghĩa là mỗi thí sinh sau lựa chọn sẽ "quay lưng với 4 môn", chứ không chỉ to tát là quay lưng lại với môn Lịch sử nếu em nào đó không chọn thi môn này!

Tôi cho rằng, thí sinh đủ thông minh để chọn môn thi tốt nghiệp phù hợp nhất với các môn sẽ thi đại học sau đó 1 tháng. Năm 2013, chỉ có 6% lượt thí sinh thi đại học khối C, là khối thi có môn Lịch sử, cho nên tỷ lệ thí sinh chọn môn học này để thi tốt nghiệp không thể cao được.

Năm 2014, tôi dự đoán con số này vẫn ở ngưỡng 5 - 6%. Đó là con số phù hợp, vì nhu cầu nhân lực của đất nước chắc cũng chỉ cần 5 - 6% số người học theo hướng khoa học xã hội nhân văn.

Không thể căn cứ vào số liệu của một trường phổ thông cụ thể (nơi chắc rất ít em dự kiến thi khối C) để suy diễn thành bức tranh toàn cục, gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.