Tản văn: Thức đón Giao thừa

GD&TĐ - Đã nhiều năm qua rồi, tôi không còn có cái cảm giác êm đềm và sung sướng lúc ngồi trông nồi bánh tét chín ngay trước Giao thừa...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Khi những cơn mưa dầm và rét buốt nhường chỗ cho mưa phùn và nắng ấm, mùa Đông chuyển tiết sang Xuân. Trăm hoa đua nhau khoe sắc. Không khí Tết mỗi ngày qua càng thêm tràn ngập sắc màu và âm thanh. Giao thừa lại đến. Mỗi người chờ đón Giao thừa bằng cảm xúc và tâm trạng của riêng mình. Giao thừa của tuổi thơ là một Giao thừa huyền diệu.

Đã nhiều năm qua rồi, tôi không còn có cái cảm giác êm đềm và sung sướng lúc ngồi trông nồi bánh tét chín ngay trước Giao thừa. Chắc rằng mấy đứa em của tôi đang lạc bước ở những phương trời xa xăm nào đó cũng có cái cảm giác giống tôi mỗi khi năm hết, Tết về. Những ngày cuối năm lãng đãng, bâng khuâng, lòng tôi chợt nhớ sao nồi bánh tét đêm xưa trong miền ký ức của tuổi thơ xa ngái.

Gia đình tôi là đông anh em. Thuở nhỏ, chúng tôi quây quần bên nhau rít ra, ríu rít như một bầy chim nhỏ, thân thiện và hiền hòa. Trong ký ức của tôi gần như anh em trong nhà chưa bao giờ “choảng” nhau cả. Những ngày cuối năm, anh em và bạn bè trang lứa cùng xóm kéo nhau một bầy đi kiếm cát trắng về thay nồi hương tổ tiên, ông bà...

Nhà nào có chân đèn, lư hương bằng đồng thì phải tìm hái một ôm lá bứa chua đem về ngâm để chùi đồ đồng cho sáng. Nhà tôi chỉ có mỗi một lộc bình được gò từ cái vỏ đạn súng pháo đã nổ. Công việc cuối năm chừng đó xem ra chẳng bõ bèn gì khi một bầy anh em chúng tôi đang hăng với những công việc như thế trong những ngày nghỉ học, chạy rông.

Hết việc nhà, chúng tôi túa sang nhà bạn bè hoặc hàng xóm xem làm được gì thì giúp. Thuở ấy đói nghèo nhưng mọi người sống với nhau thật là gắn bó. Nhưng dù chạy chơi đâu, điều mong ngóng nhất của anh em chúng tôi là lúc mẹ và bà nội vuốt nếp, trải nong, bày lá chuối chuẩn bị gói bánh tét.

Lá chuối lấy từ nhà ngoại ở trong quê. Ngoại tôi là dân “bám trụ” mà mãi sau này tôi mới biết điều này. Dây lát cột bánh tét anh em chúng tôi cùng nhau đi bứt ở mấy đám ruộng hoang gần cái khe từ nhiều ngày trước. Lát tươi đem về cây lớn thì chẻ đôi, nhỏ thì để nguyên hong nắng cho héo để sợi dai, chắc và dễ cột.

Lúc mẹ và bà nội gói bánh là lúc anh em chúng tôi ríu rít quây quần. Mẹ hoặc bà hô gì là anh em chúng tôi nhanh nhẩu tranh nhau đáp ứng ngay. Năm nào chúng tôi cũng được bà và mẹ dành cho ít nếp cuối mủng để tự gói chùm bánh ú nhỏ bỏ nồi cho nhanh chín để mà chia nhau.

Bà nội và mẹ khéo léo xếp lá, đong nếp, quấn lá rồi buộc mấy nuột dây cơ bản ban đầu. Phần còn lại anh em chúng tôi đua nhau buộc. Ban đầu các nút buộc lớ ngớ, vụng về, nhưng được sự chỉ dẫn của bà và mẹ chúng tôi quen tay dần nên đứa nào buộc bánh tét cũng đẹp. Khoảng cách giữa các dây buộc đều như đo. Tất cả các đầu dây buộc bỏ về một phía thẳng hàng như kẻ chỉ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nhà cô ruột tôi ở sát một bên. Cô tôi nấu ăn và bày cỗ thì ngon và khéo léo hơn mẹ tôi, nhưng bọn tôi không hiểu sao cô lại không biết gói bánh tét. Đó là điều khó hiểu với bọn trẻ chúng tôi và cũng không có cách gì để giải thích được. Do vậy, chúng tôi vẫn tự hào về mẹ trong việc gói bánh này.

Năm nào đến gần ngày cuối, cô cũng chạy sang dặn mẹ tôi: “Khi nào chị vuốt nếp thì ới em một tiếng nghe”. Vậy là khoảng lưng chừng buổi sáng của ngày cuối cùng, hàng xóm nghe vang vang lời mẹ tôi gọi: “Cô ới... ơi... vuốt nếp”. Đó là những âm thanh và hình ảnh quen thuộc in đậm trong lòng của mỗi chúng tôi suốt cả thời thơ ấu. M

ẹ tôi gói giúp và cô tôi chỉ còn nhiệm vụ ngồi buộc như chúng tôi mà thôi. Đôi tay mẹ gói nhanh thoăn thoắt. Bà nội gói phụ và chậm hơn.

Tôi nhớ năm đầu tiên cô tôi có con dâu mới. Mẹ tôi bảo: “Năm nay cô có con dâu, bảo nó sang tôi bày cho cách gói để khỏi phải nhờ”. Vậy là từ đó con dâu của cô tôi cũng biết cách gói bánh tét. Đòn bánh gói đầu tiên có hơi run tay và xấu, vì giữa nhiều cặp mắt săm soi và “bình loạn” của bọn tôi, nhưng khi gói đến đòn bánh cuối cùng thì thấy đã “có” nghề và được mẹ tôi khen.

Bánh tét gói xong bỏ vào nấu trong cái nồi to đùng. Đúng hơn, đó là một cái thùng. Nhà tôi đông người nên gói nhiều đòn bánh hơn nhà cô và cả hai nhà thường bỏ bánh nấu chung. Để phân biệt, bánh của cô tôi buộc thêm một sợi dây đay dài.

Nồi bánh tét được kê trên ba tảng đá lớn đặt bên nhau để làm Ông Đầu Rau. Củi đun là những gốc cây, gộc tre khô hoặc là các loại bìa ván mà chúng tôi “tha” về từ một trại cưa gần nhà. Bà nội tôi có tài nhóm lửa nên “phụ trách” nấu. Anh em chúng tôi là các “thợ canh nồi” xúm xít coi lửa và chỉ chỏ cho bà cời sao cho lửa đỏ đều và đượm để bánh chín được ngon.

Sau khi nhóm lửa cháy đều, bà nội tôi đốt một cây hương thơm, rồi cắm dưới đất bên cạnh Ông Đầu Rau. Bà bảo cháy đủ ba cây hương là bánh chín. Vậy là, anh em chúng tôi trông chừng lửa và trông chừng cả cây hương. Có đứa lâm râm khấn, mong sao cây hương cháy thật nhanh để mau... chín bánh. Khoảng thời gian chờ bánh chín xem chừng cũng trịnh trọng và thiêng liêng làm sao.

Sung sướng nhất là lúc bà tôi “thăm dò”, vớt trước cho chúng tôi cái chùm bánh ú được gói từ chỗ “nếp thừa”. Nói là “thừa” nhưng thật ra có năm bà và mẹ phải bớt cả nếp ở đòn bánh tét cuối cùng để gói sao cho đủ mỗi đứa một cái bánh ú nhỏ. Bánh vớt ra không kịp để nguội. Chúng tôi lấy thau nước giếng cho vào làm nguội để mau đánh chén.

Có năm, bà và mẹ bận gì đó nên gói muộn và nấu muộn, anh em chúng tôi canh chừng nhưng lần lượt vắng dần từng đứa, vì buồn ngủ. Tôi là đứa lớn hơn cả nên thường thức đến sau cùng. Tuy vậy, cũng có lần tất cả đều xỏ chân nhau nằm mơ bánh chín.

Hình như đã thành “lệ”, dù muộn thế nào thì bánh cũng phải được nấu chín trước lúc giao thừa. Vớt xong bánh chia nhau ai về nhà nấy, kịp tránh “xông đất” khi kim đồng hồ chỉ mức không giờ. Lúc này, Giao thừa đã điểm. Tiếng pháo đì đoàng đâu đó báo hiệu một năm mới đang ùa về, rộn rã...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ