Bâng khuâng Giao thừa

GD&TĐ - Giao thừa là truyện ngắn nằm trong tập truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. 

Tết phương Nam. Ảnh minh họa: IT
Tết phương Nam. Ảnh minh họa: IT

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tất cả sự giản dị và chung tình của một “người nhà quê viết văn” đã dắt dẫn người đọc thâm nhập thiên nhiên, cuộc sống và con người vùng sông nước Nam Bộ với tất cả những vẻ đẹp tự thân, đặc biệt trong thời khắc Tết đến xuân về. 

1.

Cốt truyện đơn giản. Câu chuyện kể về nhân vật Đậm – một cô gái làm nghề buôn bán dưa hấu và anh thanh niên Quí làm nghề chạy xe lam. Vì lầm lỡ, Đậm bươn chải một mình nuôi con gái. Những vết thương quá khứ cùng với mặc cảm “gái hư”, Đậm dù có tình cảm với Quí, song luôn day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Quí là chàng trai ít tuổi hơn Đậm, quan tâm, chăm sóc mẹ con Đậm; anh không ngại đứa con, không ngại chuyện tuổi tác hay lầm lỡ quá khứ, song chưa dám nói lời thương với Đậm.

Câu chuyện kết thúc khi Quí phụ giúp Đậm dọn hàng xong, chở Đậm hòa vào dòng người đông đúc trong đêm Giao thừa. Anh nhìn Đậm bằng ánh mắt rất lạ và cảm thấy rất cần cầm lấy bàn tay lạnh tái của Đậm. Tác phẩm gieo vào lòng người đọc nỗi niềm bâng khuâng, niềm tin yêu, hi vọng về vẻ đẹp tình người, tình đời.

2.

Bằng tâm thế luôn tìm về, trân trọng những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, trang viết Nguyễn Ngọc Tư mang đậm nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc. Với lối kể chuyện dung dị, bằng tình cảm mênh mang, sâu lắng, hình ảnh mùa xuân của đất trời, con người phương Nam hiện lên chân thực và sinh động trong truyện ngắn Giao thừa.

Ngày Tết được đánh dấu bằng những bước chuyển mình của thiên nhiên. Nếu “đặc sản” phương Bắc trong khoảnh khắc giao mùa là những hạt mưa bụi lất phất, dịu dàng như rắc phấn lên đất trời, là sắc hồng của đào, sắc tím của hoa xoan thì Nguyễn Ngọc Tư đem lại ấn tượng đậm nét mùa xuân phương Nam bằng sắc vàng của hoa, sắc thẫm xanh của những trái dưa hấu bày bán đã thấy mấy vạt hoa vàng lòe xòe, đã thấy những trái dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi.

Vị Tết lắng đọng cùng thời gian, lan tỏa trong không gian. Những bông hoa kiêu hãnh khoe mình trong nắng ấm. Cái nắng mùa xuân phương Nam kì lạ không gay gắt đổ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như mầu bông sao nhái. Nắng xuân mang bản sắc phương Nam, nắng hanh hao vừa đủ để truyền cảm giác lành lạnh nhẹ nhàng, vừa lưu giữ cái ấm áp của vùng đất hiền hòa khí hậu. Đất trời giao thoa, trong hanh hao của nắng xuân, tất cả cảnh vật bung sắc thay áo mới bông vạn thọ, bông cúc nở bung từng khóm. Vạn vật khởi sắc ấy là mùa xuân đang khởi nhịp trở về. Những nụ hoa, cành lá vươn mình bừng khoe hương sắc trong làn gió mơn man.

Từng khắc, từng giờ, xuân ùa về trên mọi nẻo đường, trên những phố phường. Không khí Tết tràn ngập trên các con phố với những bảng hiệu sặc sỡ. Đèn đủ thứ mầu. Người ta đợi Tết để trang hoàng cho thật đẹp. Tết về phố phường sầm uất, tấp nập đón đưa xe cộ giáp Tết đông nghẹt, người ta quần áo là lượt kìn kìn chạy qua (…) bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới như nước tràn lên phố. Đây là một thời điểm rộn rịp nhất, phơi phới nhất trong năm.

Dường như tất cả đang tấp nập, hối hả để chuẩn bị đón một mùa xuân như ý. Những hình ảnh chọn lọc của không gian trong những thời điểm, thời gian cụ thể và thấm đượm tâm tình tác giả. Vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào xuân là kết quả của khả năng quan sát tinh tế, lối tả thực kĩ càng của một tâm hồn nặng lòng với đất và người phương Nam.

Sẽ là thiếu sót khi nhắc đến phong vị Tết cổ truyền không có hình ảnh của chợ Tết. Chợ Tết chạy dọc theo các vỉa hè quanh ngã năm, bán toàn dưa với hoa (…) người mua xúm xa xúm xít. Phiên chợ ngày giáp Tết đông vui, tấp nập, tiếng mặc cả tiếng cười nói xôn xao. Chợ quê bừng dậy, háo hức như một đứa trẻ mong Tết về để khoe manh áo mới. Chợ Tết vừa là gương mặt sức sống của một vùng quê vừa là hiện thân của những giá trị văn hóa truyền thống. Đến với chợ Tết là đến với không gian văn hóa Tết. Truyện ngắn Giao thừa bàng bạc văn hóa vùng sông nước Nam Bộ trong dịp Tết về - một nét văn hóa vừa hiện đại vừa nguyên sơ, vừa bụi bặm vừa tinh khiết.

3.

Mùa xuân là mùa của giao hòa giữa con người và thiên nhiên, đất trời. Mùa xuân đẹp nhất trong năm không phải bởi nét yêu kiều diễm lệ của sắc hoa đua nở, của hanh hao nắng xuân, của phố phường rực rỡ, mà còn bởi mùa xuân gieo vào lòng người niềm tin, hi vọng và mơ ước tương lai. Bên cạnh cái ồn ào náo nhiệt của chợ Tết vùng đồng bằng sông nước là cuộc đời của những tiểu thương chất phác, giản dị. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn viết nhiều và viết hay về cuộc sống con người Nam Bộ thời hiện đại. Là người con của nông thôn Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều niềm thương yêu mến cho những con người dãi dầu nắng sương, lam lũ tảo tần.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Hình ảnh người dân Nam Bộ vất vả trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn hiện hình trong nhân vật Đậm, nhân vật ông Chín. Đó là câu chuyện về những người làm nghề bán bông, bán dưa hấu vào dịp Tết. Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy ăn gì cho hết. Người ta nán đợi tới ngày rước ông bà, lúc đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ không. Những người bán ngồi chéo queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc trái nết nở bung từng khóm, lái bông than như bọng: “Năm nay chắc thua rồi”.

Công việc của những tiểu thương ở chợ vất vả, đầy may rủi, dãi nắng dầm mưa và nguy cơ lỗ vốn lúc nào cũng chực chờ. Cảnh tượng những quầy bán hàng dưa, bán bông trên bãi đất trống xơ xác đối lập hoàn toàn với những tòa nhà cao đẹp. Sự tương phản ấy không khỏi khiến những người buôn bán có cảm giác chạnh lòng, tủi cho phận nghèo của mình với niềm mong mỏi đầy khắc khoải, mông lung Biết chừng nào mình xây được cái nhà cỡ đó hen.

Thế giới nhân vật trong sáng tác Nguyễn Ngọc Tư phong phú, đa dạng với nhiều nghề nghiệp nhưng tất cả đều có đặc điểm chung là cuộc sống nghèo khó, lam lũ. Những trang văn Nguyễn Ngọc Tư đem lại cho độc giả ám ảnh khôn nguôi hình ảnh người dân Nam Bộ lấm lem bùn đất, những cuộc đời lắm thăng trầm đau khổ. Tuy vậy, các nhân vật luôn tỏa sáng một tính cách rộng rãi, giản dị, chất phác, nhân hậu và nghĩa khí. Hình ảnh nhân vật trong thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Ngọc Tư phải chăng chính là sự khúc xạ hình ảnh con người Nam Bộ nghĩa hiệp, chân chất, giàu lòng nhân ái.

Truyện ngắn Giao thừa cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Tình người thấm đượm trong thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa: Đó là sự quan tâm ân cần của ông Chín: Ông Chín đốt sáu nén nhang, chia cho Đậm nửa, biểu: “Con cúng Giao thừa đi. Cầu an khang, sức khỏe, cầu năm tới giàu hơn năm nay”. Hay là hành động san sẻ thương yêu Hồi nãy con tặng bác dưa ăn, giờ bác tặng lại cho con với cậu nhỏ hai chậu cúc đại đóa này. Năm tới, bác có xuống không biết được ngồi gần cháu như vầy không.

Đậm là nhân vật chính của truyện. Đậm làm nghề bán dưa ở chợ, 29 tuổi, hơi đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại chút duyên ngầm (…) mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát (…) giọng Đậm khao khao. Ngoại hình nhân vật phản chiếu cuộc đời tảo tần, bươn chải, lam lũ, khốn khổ, tội nghiệp. Đậm lầm lỡ mang thai, bỏ nhà ra đi tới lúc ba con buồn rồi chết, má mới rước con về. Cú chấn thương tinh thần khiến trái tim Đậm tan hoang như cánh đồng sau bão. Đậm dồn toàn bộ tình yêu thương, chăm lo, vun vén cho con gái bé nhỏ và người mẹ già Bây giờ có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu, miễn sao năm tháng cuối đời mẹ con vui.

Song sự bươn chải mưu sinh cuộc sống không tránh khỏi những phút giây Đậm chạnh lòng Chỉ Đậm là ngồi bán một mình chứ người ta chồng vợ đùm đề, xoong nồi lủ khủ (…) tủi cực trào lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy. Đậm lầm lũi khóc nghẹn. Những nhàu nhĩ mỏi mệt, gồng gánh mưu sinh của cuộc sống thường nhật không đáng sợ bằng những định kiến khắt khe, dè bỉu, coi thường của người đời về Đậm thiên hạ rần lên: “Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì”. Ai mà muốn, chỉ tại còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột.

Song trong tận cùng của nỗi khổ đau, từ trong thẳm sâu tâm hồn, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống như đóa hoa bầm dập sau gió mưa vẫn vươn mình đón ánh nắng rực rỡ của Mặt trời. Đậm thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn. Nỗi niềm đau đáu về hạnh phúc vẹn tròn sau những lầm lỡ không ngừng thôi thúc trái tim Đậm.

Đứng trước Quí trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên đi nỗi cô độc lùi lũi trong đời. Song Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Truyện ngắn bàng bạc nỗi buồn bởi dẫu khao khát yêu thương mãnh liệt nhưng nhiều lúc con người không vượt qua được những ngăn cách vô hình.

Quí ở Lung Giữa, chưa vợ, nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi, làm nghề chạy xe lam quần anh chàng lấm nhớt, tóc bù xù đỏ quạch như rễ vú sữa (…) cao lỏng khỏng, nước da đen lùi, lúc cười chỉ thấy hơi hới hàm răng. Bước qua định kiến gai góc của người đời về Đậm, Quí sẻ chia cùng cô cuộc sống mưu sinh khó nhọc. Quí chở Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp Đậm cất cái nhà củi… Sau những chuyến xe lam Quí phụ giúp Đậm buôn bán kéo tấm ni-lông che nắng, chặt mấy cây chuối đem ra bao lại cho dưa khỏi lăn. Phụ Đậm dọn hàng Tết xong,

Quí chở Đậm hòa mình vào dòng người đông đúc trong khoảnh khắc hân hoan, đón chào năm mới. Xe ra khỏi thị xã, đi vào con đường nhỏ, vắng hoe, hai bên đường rập rờn hoa dại. Trong cái hoang vắng, lãng mạn của đất trời, lòng Quí dấy lên nỗi nhớ thương nỗi nhớ phơ phất mái tóc một người, đôi mắt một người, dáng dấp một người.

Tình yêu, hạnh phúc là niềm mơ ước, là khát khao muôn đời của con người. Yêu thương mong manh như tơ trời như sương bay, khó tỏ bày, thổ lộ. Quí không ngại đứa con, không ngại chuyện lỡ lầm xưa cũ, tuổi tác cũng không thèm nghĩ đến nhưng không dễ để nói ra lời thương với Đậm. Trước khi trở về quê sau những ngày bươn bã, ông Chín khẽ thì thào với Quí “Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe, ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy cũ người mới ta. Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng”.

Trong sự chuyển vần, giao hòa của đất trời, trong náo nức của lòng người, lời khuyên của ông Chín chính là nguồn động lực tiếp thêm niềm tin cho Quí tìm đến tình yêu. Giữa khoảnh khắc thiêng liêng của giây phút Giao thừa Quí đề nghị Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với Đậm nghen và cảm nhận hằn lên trong trái tim anh anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh tái của Đậm, rất cần. Hai mảnh đời tìm đến để được nương tựa nhau trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời giao hòa. Khát vọng mong mỏi một bến đậu, một mái ấm gia đình là đích đến trong hành trình cuộc sống đầy vất vả, nhọc nhằn, đổ vỡ này.

Mùa xuân là cầu nối những tình cảm đầm ấm của con người, dệt nên những ý niệm đẹp đẽ gieo vào lòng người niềm hi vọng, lạc quan, sự kì vọng khắc khoải, bất diệt về tương lai hạnh phúc cuộc sống. Sự khởi đầu nào cũng muôn vàn mới lạ và khó khăn, song phải chăng để kiến tạo hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc con người phải can đảm đánh đổi, phải biết hi sinh. Cuộc sống gian nan chính là thử thách sự rộng lượng, bao dung của lòng người. Đó cũng chính là thông điệp nghệ thuật mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi gắm trong truyện ngắn này.

Cốt truyện Giao thừa đơn giản, lượng thông tin về hai nhân vật Đậm và Quí không nhiều, nổi bật trong toàn bộ truyện là “tâm trạng” và “cảm xúc” của nhân vật trong thời điểm Giao thừa. Tình huống truyện giản dị, đời thường nhưng đối với một tác giả giỏi nghề như Nguyễn Ngọc Tư thì chỉ cần một nét tâm trạng, một khoảnh khắc cũng là duyên cớ để xây dựng tác phẩm.

Bằng khả năng nắm bắt tâm lí tài tình, ngòi bút vững vàng, truyện ngắn cô đặc sự bâng khuâng về cuộc sống, gieo vào lòng người đọc những nỗi niềm khôn nguôi. Với tâm niệm “làm người thấy thì phải làm”, bằng truyện ngắn Giao thừa, Nguyễn Ngọc Tư khẳng định con người không chỉ sống hết mình vì người khác mà phải sống bao dung, độ lượng, biết trải rộng lòng mình với những người xung quanh, nhất là phải biết tha thứ cho những lầm lỗi của người khác. Đó cũng chính là tâm tình, tấm lòng đằm thắm, sâu sắc của Nguyễn Ngọc Tư với đời, với người.

Nguyễn Ngọc Tư ghi dấu với số lượng tác phẩm lớn trên nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tạp văn, tản văn, tiểu thuyết. Bằng lối viết tự nhiên, ngôn ngữ trong sáng, mộc mạc Nguyễn Ngọc Tư là cây bút đa tài của văn học Việt Nam đương đại. Sinh ra và lớn lên ở vùng mênh mông sông nước, nữ nhà văn Đất Mũi đã mang đến cho văn học thời kì đổi mới hơi thở nồng nàn chất quê Nam Bộ. Bằng tâm hồn cởi mở, phóng khoáng và hết sức nhạy cảm của một người viết gắn bó và am hiểu vùng quê miền sông nước, sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư trở thành “đặc sản” cho những người thưởng thức và yêu mến giá trị văn hóa miệt vườn Cửu Long. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.