Tản văn: Lựa đồ để 'cho'

GD&TĐ - Làm từ thiện từ “tâm”, “cho đi là còn mãi”. Hãy biết cách “cho” và lựa đồ để “cho”.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Lâu nay, “cái ăn, cái mặc” được quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Bất cứ hoạt động thiện nguyện nào cũng chú trọng đến lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân… trước nhất.

Người Việt Nam luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Những đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm, không quản đường xa, nguy hiểm, chủ động đến với đồng bào theo đúng nghĩa “vượt núi, băng rừng”. Có người không may gặp nước lớn, mất tính mạng trong mưa lũ.

Thời gian vừa qua, những hành động cao đẹp: Người già, trẻ nhỏ, người lao động rút tiền tiết kiệm, ủng hộ qua các tài khoản nhà nước, qua cơ quan, đoàn thể... Kiều bào yêu nước, du học sinh kêu gọi ủng hộ, gửi tiền qua bạn bè, người thân, góp một phần nhỏ bé giúp người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Các cháu nhỏ không háo hức Tết Trung thu như mọi năm mà đập lợn, xin tiền bố mẹ, bán đồ chơi để gửi đến các bạn nhỏ vùng lũ lụt. Người lớn soạn đồ cũ, mua nhu yếu phẩm, góp cùng đoàn thiện nguyện...

Mọi người, mọi nhà hướng về miền Bắc, hướng về đồng bào miền núi phía Bắc. Tấm lòng thiện nguyện được người dân cả nước ghi nhận. Người vùng lũ biết ơn.

Nhưng vẫn còn đó những câu chuyện thể hiện sự vô cảm, độc ác từ một số người mượn danh “từ thiện” trục lợi cá nhân; làm giàu, đánh bóng tên tuổi; lợi dụng việc góp đồ ủng hộ thành nơi “đổ rác”… chính đáng. Bịch to, bịch bé hàng hóa được các đoàn chuyển đến nơi cần cứu trợ. Khi bao tải, thùng hàng mở ra có đồ rất chất lượng, thơm tho, gọn gàng, mới nguyên, đầy đủ size, mác. Ngược lại, có thùng đồ hôi hám, nhàu nhĩ, áo đi nắng bốc mùi, áo rách, tất lưới, váy hai dây, guốc cao gót gãy đế, bung quai, mũ bảo hiểm vỡ, bẩn... Đủ 101 bi hài.

Tiếp đến, một đoàn thiện nguyện phản ánh họ nhận được lô hàng sữa và bánh hết date cả năm trời. Không hiểu người mua vô tình bị lừa hay hành động có chủ định. Thử hỏi, người dân cơ địa ốm yếu sau thời gian đói, khát bao ngày gồng mình trước mưa lũ nhận được đồ cứu trợ, sẽ ra sao khi dùng đồ quá hạn, nhất là đối với đối tượng ưu tiên như người già và trẻ nhỏ? Không hiểu người ủng hộ đồ ấy nghĩ gì, tại sao hành xử như vậy?.

Đồ gửi ủng hộ có thể lỗi mốt, cũ, chật nhưng phải còn mặc và dùng được. Đã ủng hộ, cần tôn trọng người nhận, cũng là tôn trọng bản thân. Đồ ăn bắt buộc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, còn hạn sử dụng.

Chuyện “phông bạt” không bàn sâu, vì quá hot. Họ đã nhận được bài học khá đắt từ lòng tham, sự ranh mãnh của chính mình. Một vết dơ khó gột trong tâm. Sau đó, bị bạn bè, đồng nghiệp, xã hội phán xét, tòa án lương tâm lên tiếng.

Còn người cố tình ủng hộ đồ hết hạn sử dụng, quần áo rách nát thì sao? Lương tâm họ liệu lên tiếng không khi không bị vạch trần, không bị nêu đích danh?

Người dân dù nghèo, cũng không mong muốn nhận đồ hôi hám, mốc meo, ẩn chứa bao mầm bệnh ngoài da. Ở các điểm bị ngập lụt, môi trường khá ô nhiễm, thêm đồ bỏ đi đó sẽ thành quá tải. Trong khi, người dân không có tiền mua thuốc uống sau khi ăn đồ hết hạn sử dụng. Dù được ủng hộ gạo, họ không thể nấu cơm từ nồi điện hỏng hoặc thiếu ruột. Thương người đứng ra kêu gọi, trăm việc cần lo lại nhận đống đồ bẩn, phải hủy bỏ, mất công, mất sức vào điều không đáng.

Làm từ thiện từ “tâm”, “cho đi là còn mãi”. Hãy biết cách “cho” và lựa đồ để “cho”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.