Tản văn: Cơn bão đi qua

GD&TĐ - Hà Nội vừa hứng chịu một cơn bão lớn – cơn bão Yagi, với sức gió ngoài khơi giật trên cấp 16.

Cơn bão đi qua, bầu trời Hà Nội sẽ xanh trở lại. Ảnh: Bình Thanh
Cơn bão đi qua, bầu trời Hà Nội sẽ xanh trở lại. Ảnh: Bình Thanh

Bấy giờ, khi đang ở trọ giữa lòng Thủ đô, ngoài cửa sổ, nghe tiếng gió rít qua mái nhà, những trận mưa như trút nước thì nhận được tin nhắn hỏi thăm của mẹ. Tin tức dồn dập đến khiến tôi không thể ngừng suy nghĩ. Tôi nhìn thấy cảnh cây đổ nhà tan, có nơi thiệt hại cả về người.

Các tỉnh lân cận, người dân vùng biển vẫn bám giữ giữa sóng lớn, giữa tâm bão. Dường như mạng sống bản thân không còn nặng bằng nguồn sinh nhai cho cả gia đình nữa. Nghĩ thế mà không khỏi xót thương…

Cứ một lúc lại nhận được tin nhắn của mẹ, rồi trực tiếp thấy khung cảnh tan hoang ngay xung quanh khu trọ, tôi lại có chút cảm giác lo sợ, bất an.

Tiếng gió thổi thốc mỗi lúc một mạnh. Nó rít lên từng đợt ghê rợn. Đâu đó đã có những mái tôn bị gió thổi bay đi xa. Bản thân bất giác co mình lại. Tôi lo lắng đủ thứ, từ quần áo đang treo trên tầng thượng, các dãy nhà xung quanh, lo lắng cho cả những người đang đi ngoài đường, những người vô gia cư, những chiến sĩ phải gồng mình để giảm thiểu thiệt hại cho người dân...

Rồi thì nỗi lo lắng cũng bớt đi khi tôi chứng kiến sự đoàn kết của những người dân trong gió bão. Tôi mơ màng nhớ về những cơn bão trong tuổi thơ nơi miền Trung xa ngái….

Vốn ở miền Trung, bão lũ đối với tuổi thơ tôi quá đỗi quen thuộc, như một phần tất yếu. Trong kí ức thơ ấu, năm nào mùa mưa cũng có bão, bão lũ liên miên, có khi một năm tới mười mấy cơn bão lớn nhỏ.

Bão tới là cả một vùng quê mất điện, chỉ có thể dùng đèn dầu, đốt nến. Nhà dột, xô chậu để khắp nhà hứng nước. Nhưng hồi bé, dù có bão lũ vẫn thấy an toàn lắm, không sợ gì cả. Bão tới, trẻ con nghỉ học, người lớn nghỉ làm, ở trong nhà tránh bão.

Mùa mưa bão, ăn cơm nóng rất ngon, thức ăn được trữ sẵn từ trước. Bão vào, ba mẹ con nằm yên trong phòng, cả đêm không ngủ. Bão tan xung quanh đổ nát, nước ngập đến bắp chân. Tôi vẫn nhớ, những lần sau cơn bão, lội nước ngập mấy cánh đồng quanh nhà, bắt cua cá, gấp thuyền thả trôi…

Thú thực, bão trong ký ức tuổi thơ của tôi là những ngày ấm cúng, vui vẻ và còn có gì đó bí hiểm, gây hứng thú khơi dậy tò mò lẫn sợ hãi.

Hồi bé không biết gì cả, chỉ biết bão đến bão đi loanh quanh xóm làng nhà mình. Bão vào gió róng rít từng cơn, mưa xối xả như tắm vòi hoa sen, cây cối rạp mình sát đất, gật lên gật xuống như bổ củi, và cái cách mọi người đi trong bão trông rõ tức cười.

Và thích nhất là sau cơn bão, làng xóm được khoác lên mình một vẻ đẹp của con trẻ, là một cái gì đó tươi mới, xa lạ, như vết nhựa tứa ra từ thân cây gẫy, thơm nức mùi tinh dầu. Cây đổ nằm la liệt khắp nơi, nước chảy thành sông và đọng lại thành hồ lớn. Lũ cá bị cầm tù trong ao được phóng thích, ào ra bơi lội tung tăng khắp mọi ngõ ngách, tràn cả vào trong sân nhà. Bà con mang nơm mang vó đi bắt cá chẳng khác gì đi trẩy hội, nhưng mà vui hơn.

Nghỉ vài ba bữa bão rồi thấy đường thiếu đi vài cái cây, mái tôn mái ngói toán loạn nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Hồi bé, cảm thấy như vậy, chắc bởi bên cạnh có mẹ, có em, có một mái nhà vững chắc của bố để nương náu những ngày trái gió trở trời.

Lớn hơn chút, khi xa nhà lên thành phố học, tôi không còn thấy thích bão như vậy nữa. Tôi vẫn nhớ cơn bão gần nhất vào năm 2022 - Noru, khi mà câu “Thương lắm miền Trung ơi’’ được thấy ở khắp mọi nơi.

Nhiều người bảo, khúc ruột miền Trung là nơi đáng thương nhất, đồng bào miền Trung dũng cảm và quật cường nhất. Còn nhớ có đợt mưa bão, thành phố Vinh ngập lềnh đềnh trong nước. Tôi một mình ở trọ. Mưa lụt ngập đến quá đầu gối, trong phòng sách vở, nồi niêu, giường chiếu dập dềnh trôi như những chiếc thuyền con.

Đến khi nước rút, dù có lau dọn thế nào cũng không hết được mùi tanh của bùn đất để lại. Ngày trước, hơn một lần tôi muốn rời quê, vì khổ, vì thương người dân dành dụm vất vả bao nhiêu nhưng thoáng chốc chỉ một cơn bão cũng có thể cuốn bay đi hết.

Miền Trung luôn gắn với cái “nghèo”. Những người “nghèo” ở với nhau chỉ có thể hứa bằng những “lời hứa nghèo”, bằng những lời quê mộc mạc. “Khi mô” có nhiều tiền, mẹ mua cho con đồ mới; “khi mô” dành dụm đủ bố mua cho con máy tính mới; “khi mô” con lớn, con sẽ học thật giỏi, sẽ kiếm tiền để mọi người đỡ cực, đỡ khổ.

Dăm ba cái “khi mô” nghe thật mù mịt như gió mưa đang giăng mắc ngoài kia. Một khoảng mênh mông không có hình thù, không thể chạm vào. Giữa mê lộ cuộc đời ngoài kia, chân người cứ bước mà đôi khi lòng người lại rong ruổi đâu đó trong những khoảng hoài cổ mênh mang của tâm hồn. Dù bão giông có làm lạnh, làm buồn những thân phận còn nhiều bất hạnh, đang trầm mình trong cuộc đời ngoài kia.

Nhưng có lẽ, cái rét mướt, tàn khốc của bão lũ cũng giúp những bước đi của ta trong cuộc đời vững chắc hơn. Và vì thế, ta cũng thấu hơn những ý nghĩa của hạnh phúc, của an yên từ những bấp bênh và khổ đau của cuộc sống.

Đứa bé đã có một bộ đồ mới, cũng được bố mua cho một máy tính mới và giờ nó cũng đang thực hiện lời hứa “nghèo” của nó. Người giữ lời hứa, dù lời hứa nghèo nàn hay sang trọng đều đáng được trân quý. Nếu có thể, tôi vẫn mong sẽ được đóng góp thật nhiều cho miền Trung ruột thịt.

Bão lũ ghé thăm nơi đâu cũng gây ra khốn khổ đủ đường. Chỉ có ai ở vùng thường xuyên bão lũ, trải qua bão lũ thì mới thực sự thấu hiểu được cảm giác bất an này. Nhưng mất mát là một phần của cuộc sống, ta phải biết chấp nhận và tiếp tục bước đi về phía trước.

Bão tan, ta thêm trân trọng hơn những cảnh sắc đã từng tươi mới, lung linh. Bão tan, ta thêm yêu thương, biết sẻ chia hơn với những mảnh đời khốn khó. Bão tan, ta bắt đầu lại từ những mầm xanh hi vọng…

Ngồi trong căn phòng nhỏ, cơn bão đã đi qua, tôi vẫn mong mọi người bình an vô sự, mong các chiến sĩ chân cứng đá mềm, nỗ lực an toàn tham gia cứu nạn hỗ trợ người dân. Và mong rằng, chúng ta đều giữ được tâm an trước mỗi cơn bão lớn của cuộc đời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.