Lá xanh và nụ trắng. Âm thầm nở. Lặng lẽ tỏa hương đêm. Cái mùi hương cũng rất đỗi âm thầm mà khiến Tâm người tịnh, mà khiến Khí người thanh. Huệ đấy!
Không phải huệ vàng, huệ đỏ mà là huệ trắng - tức “Dạ Lai Hương”. Dạ lai hương - loài hoa hay dùng cắm trên bàn thờ Phật, trên trang thờ Chúa. Dạ lai hương - loài hoa vô sắc vô thanh cũng dùng cúng dâng người chết như muốn nhờ mùi Tâm hương kia tiếp dẫn hương hồn sinh linh vừa rời cõi tạm, đưa đến chốn vĩnh hằng. Tiếp dẫn người chết hay… người sống? “Tử giả biệt luận”, người chết không ai sống lại để trả lời, nhưng còn người sống? Hình như đúng. Cái chốn Tâm tịnh, khí thanh kia cũng là một cõi vĩnh hằng. Cõi ấy tiềm ẩn trong mỗi con người. Nhân tính đi ra từ đó. Sự cứu rỗi đi ra từ đó. Chưa hết, cực cùng, thẳm sâu của cái Đẹp cũng đi ra từ đó. Không có cõi ấy, con người dễ bị tha hóa, dễ có nguy cơ trở thành kẻ ác - nghĩa là chỉ phát triển, bùng nổ phần thú tính, phần Con trong tập hợp Con Người. Điểm này, Tâm Phật gặp Tâm Chúa, gặp cả Tâm cộng đồng dân tộc trong cùng một loại Tâm hoa: Huệ - Dạ Lai Hương!
Ngày bé, nhà tôi trồng nhiều dạ lai hương. Đứng cạnh thược dược, hoa cúc, hoa hồng, dạ lai hương trông… chán lắm. Hoa quê mùa, mộc mạc - như cô bé Lọ Lem mặc đồ làm bếp đứng lơ ngơ giữa vũ hội dập dìu nam thanh nữ tú! Lá ngắn, cành suông, hoa trắng xếp lớp đơn điệu trên thân; không gân guốc, hiên ngang, không dịu dàng, ẻo lả. Vẻ như giữa dòng đời bộn bề xuôi ngược dạ lai hương có cũng được mà không cũng được; chẳng ai đợi, chẳng ai màng…
Nhưng không!
Đêm đã về. Bóng đêm làm nhòa lấp muôn nghìn thanh sắc của hồng, cúc, thược dược, lay ơn. Lúc này chỉ còn… dạ lai hương. Câu hát ám ảnh mãi một thời ấu thơ tôi: “Đêm thơm như một dòng sữa, lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà. Hương hoa tự ngàn xa…” (Dạ lai hương - Phạm Duy). Phải rồi, hương hoa thơm lắm; thơm như… bầu sữa mẹ. Bầu sữa nuôi lớn xác thân con. Nhưng nuôi lớn hồn con lại chính là mùi thơm kia; cái mùi thơm luôn quấn quít theo con suốt cuộc hành trình gian nan của kiếp người. Không riêng dạ lai hương có hương, nhưng cái hương kia hình như chỉ có ở… dạ lai hương. Xét ở một góc độ nào đó, dạ lai hương gần gũi với hoa quỳnh. Nhưng quỳnh còn hương và sắc. Dạ lai hương thì vô sắc. Dạ lai hương hiện diện chỉ bằng hương. Vả lại, hoa quỳnh vốn phù du. Tâm con người không được phép phù du. Tâm con người phải bền bỉ như hương loài hoa vẫn âm thầm kiên nhẫn tỏa đêm đêm - hết chồi hoa này lại lập tức thay chồi hoa kia, nở quanh tám tiết, bốn mùa…
Mẹ tôi vừa mất. Trên bàn thờ Người, hương dạ lai hương luôn quấn quít cùng hương khói đêm đêm…