Tân Tổng thống Hàn Quốc và nhiệm kỳ chông gai

GD&TĐ - Ứng viên Yoon Suk Yeol thuộc Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc vào ngày 10/3.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với số phiếu bầu chênh lệch 0,8%, kết quả bầu cử sít sao chưa từng thấy ở Hàn Quốc, ông Yoon đã giành chiến thắng trước ứng viên Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ cầm quyền (DPK).

Mở đầu nhiệm kỳ 5 năm, ông Yoon, 61 tuổi, đang đứng trước nhiều thách thức như mối đe dọa từ Triều Tiên, căng thẳng gia tăng với Mỹ, Trung Quốc cùng nhiều vấn đề trong nước. Ông Yoon sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống từ tháng 5, hứa hẹn mang lại sự “đoàn kết quốc gia” cho xứ kim chi.

Phần lớn chiến dịch của ông Yoon thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên, trái ngược với chính sách mềm mỏng của Tổng thống Moon Jae-in. 5 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc nghiêng về đối thoại với Triều Tiên, tình nguyện đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên, giảm bớt các cuộc tập trận chung với Mỹ mà phía Triều Tiên coi là hành động khiêu khích.

Từ đầu năm 2022, căng thẳng liên Triều tiếp tục leo thang trong bối cảnh Triều Tiên tiến hành 9 vụ thử tên lửa. Trước tình hình trên, ông Yoon cho rằng cần phải đối phó với lãnh đạo Triều Tiên và phải khiến “lãnh đạo Triều Tiên thay đổi”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon nhấn mạnh nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ tăng cường xây dựng quân đội Hàn Quốc. Thậm chí ông ám chỉ sẽ tung đòn tấn công phủ đầu nếu phát hiện dấu hiệu của một cuộc tấn công nhằm vào Seoul.

Phát biểu ngày 24/1, ông Yoon nói thêm cánh cửa ngoại giao và đối thoại “luôn để ngỏ” nhưng ông sẽ theo đuổi nền hòa bình “dựa trên thế trận quốc phòng vững chắc, không khuất phục”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đường lối cứng rắn này có thể khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi, thậm chí dẫn đến căng thẳng quân sự. Ông Cheong, từ Viện Sejong, đánh giá cuộc bầu cử của ông Yoon sẽ khiến quan hệ liên Triều trở lại dáng vẻ thù địch như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Một vấn đề khác được quan tâm khi ông Yoon lên làm tổng thống là mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ và Trung Quốc. Nhiều năm qua, Hàn Quốc đã thắt chặt quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ và quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với Trung Quốc.

Trong khi ông Lee cho biết sẽ cân bằng hai mối quan hệ này, ông Yoon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh Hàn Quốc – Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông chỉ ra việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ có thể giúp Hàn Quốc duy trì lợi thế trước “các quốc gia cạnh tranh, trong đó có Trung Quốc”.

Ở quê nhà, tân tổng thống phải đối mặt với nhiều thách thức như đại dịch Covid-19, tham nhũng, bình đẳng giới… Coi “đoàn kết quốc gia” là ưu tiên hàng đầu, ông Yoon khẳng định người dân sẽ được đối xử bình đẳng bất kể vùng miền, kinh tế hay xã hội.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến về giới, ông Yoon đang phải chịu áp lực lớn từ các nhà hoạt động nữ quyền. Dù khuyến khích phụ nữ trẻ tham gia vào thị trường lao động, tân Tổng thống tuyên bố sẽ bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, vốn là điểm nóng cho cuộc chiến về giới ở Hàn Quốc.

Một số chuyên gia lo lắng dưới nhiệm kỳ của ông Yoon, sự phân chia giới tính sẽ mở rộng trong khi phong trào nữ quyền phải lùi về phía sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.