Hàn Quốc: Xung đột giới tính gia tăng

GD&TĐ - Cứ 4 nam thanh niên Hàn Quốc thì có 1 người đòi hỏi phụ nữ phải “yếu ớt, lệ thuộc vào đàn ông”. Chỉ từ năm 2016 - 2020, Hàn Quốc có tổng cộng trên 80 nghìn vụ bạo lực hẹn hò.

Từ trái qua phải, Jun Hyo-seong, Irene và Jammi, 3 phụ nữ nổi tiếng bị biến thành mục tiêu công kích vì mác “nhà nữ quyền”.
Từ trái qua phải, Jun Hyo-seong, Irene và Jammi, 3 phụ nữ nổi tiếng bị biến thành mục tiêu công kích vì mác “nhà nữ quyền”.

Thời gian gần đây, các nền tảng mạng xã hội của họ còn biến thành “cái chợ thù địch giới tính, buôn tin đồn và bình luận ác ý kiếm tiền”.

Phản đối nữ quyền

Theo báo cáo thống kê mới nhất, Hàn Quốc hiện có 51,7 triệu dân, trong đó có 25,8 triệu nam giới (chiếm 49,8%) và 25,9 triệu nữ giới (50,2%).

Điều 11 của Hiến pháp Hàn Quốc năm 1948 quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa vì giới tính, tôn giáo hay địa vị”. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, phụ nữ Hàn Quốc vẫn bị đối xử bất bình đẳng.

Vào tháng 5/2016, Hàn Quốc rúng động vì án mạng “trọng nam khinh nữ” xảy ra tại nhà vệ sinh công cộng gần ga Gangnam. Hung thủ là một nam giới đã lẻn vào và nấp trong phòng vệ sinh nữ, chờ hàng giờ rồi ra tay sát hại cô gái đầu tiên bước vào. Bị bắt, y khai nhận “giết phụ nữ ngẫu nhiên” vì thù địch giới tính. Kể từ thời điểm này, mâu thuẫn giới tính ở Hàn Quốc liên tiếp leo thang.

Năm 2018, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (Korean Women’s Development Institute) công bố kết quả thăm dò gây chấn động: 1/2 số nam giới ở độ tuổi 20 có xu hướng phản đối nữ quyền, 1/4 xem phụ nữ “yếu đuối, cần được đàn ông bảo vệ”.

Năm 2021, Bộ Bình đẳng giới (Gender Equality Ministry) báo cáo thực trạng đáng buồn hơn: Chỉ 21,6% phụ nữ Hàn Quốc cảm thấy an toàn. 78,4% còn lại luôn sống trong lo lắng, sợ hãi trở thành nạn nhân của bạo lực.

Từ năm 2016 – 2020, Hàn Quốc xảy ra trên 80 nghìn vụ bạo lực hẹn hò, trong đó có 227 án mạng. Con số các vụ bạo lực gia tăng qua các năm, nhảy vọt từ 9.364 vào năm 2016 lên 18.945 vào năm 2020 (gấp 2 lần). Nghiêm trọng hơn, con số này mới chỉ phản ánh phần nào thực tế, vì không phải tất cả các nạn nhân đều tố cáo.

Nạn nhân vạ miệng

Cử chỉ tay Megalia khiến không ít phụ nữ Hàn Quốc rơi vào khốn đốn.
Cử chỉ tay Megalia khiến không ít phụ nữ Hàn Quốc rơi vào khốn đốn.

Đầu tháng 2/2022, Hàn Quốc đau buồn đưa tin cái chết của Cho Jang-mi, livestreamer nổi tiếng có biệt danh Jammi. Cô tự sát sau hơn 2 năm “bị trầm cảm nặng vì những lời bình luận và tin đồn ác ý trên mạng Internet”.

Theo trình bày của thân nhân Jang-mi, vào năm 2019, cô lỡ dùng cử chỉ Megalia (do nhóm nữ quyền cực đoan ở Hàn Quốc nghĩ ra, nhằm mục đích chế giễu kích thước cơ quan sinh dục của nam giới) và bị đồn là “nhà nữ quyền”.

Dù đã cố gắng giải thích, Jang-mi vẫn bị quấy rối trực tuyến. Những tài khoản và cộng đồng chống đối nữ quyền (chủ yếu là nam giới) biến cô thành mục tiêu công kích, liên tiếp tấn công, dồn ép đến tận cùng.

Ngoài Jang-mi, Hàn Quốc còn nhiều phụ nữ đột ngột bị bạo lực trực tuyến vì lỡ lời hoặc lỡ có cử chỉ liên quan đến nữ quyền. Tháng 10 năm ngoái, Jun Hyo-seong (cựu thành viên nhóm nhạc nữ K-pop đình đám, Secret) hợp tác với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình (Ministry of Gender Equality and Family), hoạt động trong chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực hẹn hò.

“Khi tôi về nhà trong lúc trời đã tối, tôi luôn tự hỏi liệu mình có an toàn cho đến lúc tới nhà hay không. Tôi cho rằng, xã hội mà bạn có thể tự do yêu và chia tay mới là xã hội an toàn”, Hyo-seong dẫn lời trong video đạt hơn 450 nghìn lượt xem trên YouTube. Thay vì nhận được sự đồng cảm, cô bị hàng loạt các cộng đồng nam quyền trực tuyến mắng chửi, chế nhạo.

Trước đó, vào năm 2018, Irene (thành viên của nhóm nhạc thần tượng Red Velvet) cũng bị vạ miệng tương tự. Sau khi chia sẻ cảm xúc về cuốn tiểu thuyết nữ quyền nổi tiếng vừa đọc, Kim Ji-young, sinh năm 1982 (Kim Ji-young, Born 1982), cô phải hứng chịu vô số phỉ báng và tẩy chay. Các đối tượng phản đối nữ quyền thi nhau đốt, cắt ảnh chụp Irene, ghi hình lại và đăng lên tài khoản mạng xã hội.

Kiếm lợi từ sự thù địch

Nhiều nam giới Hàn Quốc bạo lực với người yêu trong thời gian hẹn hò. Ảnh minh họa
Nhiều nam giới Hàn Quốc bạo lực với người yêu trong thời gian hẹn hò. Ảnh minh họa

Nguyên nhân Irene, Hyo-seong, Jang-mi bị biến thành mục tiêu công kích của “nam quyền trực tuyến” là chính sự nổi tiếng và tính chất công việc của bản thân. Họ đều được đông đảo người Hàn Quốc biết đến, có lượng fan nam nhiều ấn tượng.

“Cô ta đang buộc tội các fan nam, những người yêu thích mình là tội phạm tiềm năng”, một người xem video của Hyo-seong để lại bình luận trên YouTube.

Trước mục tiêu dễ bị tổn thương, ít khả năng tự bảo vệ vì là “phụ nữ của công chúng”, các cộng đồng trực tuyến nam quyền Hàn Quốc xuống tay tàn bạo. Họ nghĩ mình có quyền, bởi vì đã tiêu tốn nhiều tiền bạc, tình cảm và thấy bị phản bội.

“Ở Hàn Quốc, làm người nổi tiếng đã khó, làm thần tượng lại càng khó hơn”, Giáo sư Lee Jong-im (Đại học Kyung Hee) giải thích. Họ được fan tạo dựng hình ảnh và phải cố gắng duy trì hình ảnh này, thành ra không có cơ hội bày tỏ quan điểm riêng.

Vào năm 2016, một nữ diễn viên lồng tiếng của trò chơi điện tử trực tuyến Closers còn bị sa thải chỉ vì mặc chiếc áo có in dòng chữ “Con gái không cần hoàng tử (Girls Do Not Need a Prince)”, khiến các fan nam bất mãn.

Những năm gần đây, xung đột giới tính ở Hàn Quốc liên tiếp leo thang. Bên cạnh thái độ xã hội, trực tuyến cũng “tội” không nhỏ. Trên các nền tảng như YouTube, người dùng có thể gây chú ý và kiếm tiền. Nội dung đăng tải càng khiêu khích, chủ tài khoản càng nhận được nhiều sự quan tâm và kiếm lợi lớn.

“Nhiều cá nhân đang lợi dụng xung đột mà trục lợi”, Sohn Hee-jeong, nhà phê bình văn hóa Hàn Quốc cho biết. Họ biến các mạng xã hội thành “thị trường thù địch”, đẩy xung đột giới tính gia tăng và gây nhận thức sai lệch về nữ quyền.

Thực chất, phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc đã hoạt động mạnh từ thập niên 1980. Họ đấu tranh chống phân biệt giới tính, bạo lực, quấy rối công sở, chênh lệch lương bổng… và đạt nhiều thành tựu tiến bộ, trong đó có lật ngược quy định cấm phá thai.

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ