Cũng có sinh viên lợi dụng chính sách không điểm danh và cấm thi để đi làm thêm kiếm tiền và lơ là việc học. Sự giúp đỡ, những lời khuyên đúng đắn từ thầy cô, các anh chị khóa trên cùng gia đình… đã giúp nhiều bạn trẻ “tỉnh ngộ”, coi cú trượt ban đầu là bước đà, kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân và trưởng thành.
Làm thêm có mục đích
Kết thúc năm học thứ 2, P.X.T (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) tìm mọi cách né tránh trò chuyện với người thân và gia đình khi được hỏi về kết quả học tập. T. giấu luôn cả mã số sinh viên để tránh việc người nhà nhờ hỏi thăm tình hình. Đến khi không thể giấu được nữa, T. mới cho biết mình bị cảnh cáo học vụ. Kết quả học tập của T. là một cú sốc đối với gia đình khi chỉ ở mức 3 học kỳ xếp loại yếu với điểm trung bình học tập thấp nhất là 0,79 điểm, 1,22 và 1,44.
Lúc đầu, T. trình bày với bố mẹ rằng mình không đủ sức theo học chương trình đào tạo của bậc đại học. Nhưng với điểm trúng tuyển vào đại học của T. cùng nền tảng tự học ngay từ THPT, gia đình hiểu rằng, đây không phải là lý do chính đáng. Vài ngày sau, T. thuyết phục bố mẹ cho vay một khoản tiền vài chục triệu để có vốn kinh doanh vì không đi học nữa thì cũng phải kiếm việc để tự nuôi thân.
Chị P.T.Q.V, mẹ của T. kể: “Cháu trình bày cách thức bán hàng, mức độ thu hồi vốn… lúc đó gia đình bắt đầu lờ mờ hiểu được nguyên nhân vì sao con học sa sút ngay từ năm thứ nhất. Cháu tham gia đào tạo chuỗi bán hàng đa cấp mặt hàng mỹ phẩm với số tiền mua hàng ban đầu khoảng 20 triệu đồng. Nhưng muốn lên vị trí quản lý thì phải lấy nhiều hàng và tăng cường tuyển tuyến dưới. Chúng tôi lúc đó thật sự là mất ăn mất ngủ vì biết con đã trượt chân khá sâu rồi”.
Chị Q.V xác định không thể thuyết phục con trở lại giảng đường chỉ với những câu nói mang tính chất sách vở như phải có bằng tốt nghiệp đại học rồi làm gì thì làm. Chị cùng với T. bắt đầu tìm hiểu các những câu chuyện đau lòng liên quan đến sự biến tướng của bán hàng đa cấp cùng các chiêu trò, vụ án có liên quan đến cách gọi vốn của mô hình kinh doanh đa cấp… T. chấp nhận quay trở lại giảng đường, vừa tiếp tục chương trình học của năm thứ 3 vừa phải trả nợ và cải thiện các học phần có kết quả thi thấp.
Nhớ lại những ngày dấn thân vào con đường kinh doanh đa cấp, T. chia sẻ: “Lúc đó em chỉ nghĩ nếu mình làm thêm, có thu nhập thì đỡ gánh nặng cho bố mẹ, có thể tự trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Rồi bắt đầu mê đắm kiếm tiền mà bỏ bê học hành lúc nào không hay. Rất may là em còn có cơ hội để sửa sai”.
Trong buổi hội thảo Kết nối doanh nghiệp với nhà trường của Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng tổ chức, đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Ngay từ việc thực tập hay đi làm thêm, sinh viên cũng cần có sự lựa chọn khôn ngoan và nghiêm túc. Trong lựa chọn công việc để làm thêm, ngoài lợi ích kinh tế phải chọn những công việc mang đến cho mình cơ hội tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân. Điều này không nhiều sinh viên để tâm nhưng nó rất cần thiết cho công việc của em trong tương lai”.
Đừng để mất đà từ năm thứ nhất
MC của kênh VTV7 – “hotgirl” Trần Khánh Vy vừa có buổi giao lưu trực tuyến về phương pháp học tiếng Anh với tân sinh viên K48 hệ chất lượng cao, Khoa tiếng Anh – Học viện Ngoại giao. Trần Khánh Vy đồng thời cũng là một Youtuber nổi tiếng trong cộng đồng sáng tạo nội dung trẻ ở Việt Nam.
Khánh Vy có một khởi đầu khá thuận lợi khi đỗ vào Học viện Ngoại giao. Ngay từ bậc THPT đã được nhắc đến với biệt danh “hotgirl nói 7 thứ tiếng”. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của cựu sinh viên lớp CT43C, bản thân đã khá chủ quan trong khoảng thời gian đầu của năm học thứ nhất khi nghỉ học quá thời lượng cho phép và bị cấm thi học phần tiếng Anh. Vy gọi đó là cú sốc lớn đầu đời với một tân sinh viên. Nhưng đây đồng thời cũng là bài học giúp Vy có thêm động lực để điều chỉnh kế hoạch học tập, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Ngoài tập trung nghe giảng, đến lớp chuyên cần, Vy luôn tự tìm tòi và nghiên cứu các nguồn học liệu tin cậy trên mạng, chăm chỉ xem các bản tin thời sự ở VTV. Ngoài được truyền cảm hứng học tập từ thầy cô, đối với Khánh Vy, những bạn học cùng lớp chính là những “trợ thủ” đắc lực để cô có thể trao đổi và nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếng Anh.
Trong các diễn đàn bàn về chất lượng giáo dục đại học, đã có nhiều chuyên gia đề cập đến thái độ học tập của sinh viên năm thứ nhất và thứ hai. GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu vấn đề: “Tại sao với đầu vào là những học sinh đã được sàng lọc qua kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng lại có thể “mất đà” ngay từ năm thứ nhất?
Có thể tính đến phương án đổi một số môn đại cương như Toán – Lý – Hóa, vốn đã được học sinh học rất kỹ ở phổ thông, sang những năm sau để cho các em học ngay một số môn chuyên ngành, vừa tạo hứng thú học tập cho sinh viên vừa tránh cho các em rơi vào tâm lý chủ quan. Các trường đại học cũng tính đến việc bố trí giáo viên tận tâm, có phương pháp truyền thụ tốt đảm nhận việc giảng dạy đối tượng là sinh viên năm một”.