Những thiệt hại, ảnh hưởng về kinh tế - xã hội là hiện hữu, nhưng vấn đề quan trọng hơn là cần phải làm gì để có nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực ấy trong phòng chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước cả trong bối cảnh hiện tại và tương lai?
Ngay từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát cách đây hơn 2 năm, đã có nhiều tổ chức cá nhân ủng hộ tiền, trang thiết bị phòng chống dịch cho các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương.
Cho dù giá trị vật chất thời điểm đó chưa lớn nhưng đây là hành động rất đáng khích lệ và nhân rộng, đồng thời đặt ra vấn đề tiếp nhận và sử dụng nguồn lực này như thế nào cho hiệu quả bởi hiện nay, mọi chi phí cho phòng chống dịch đều do ngân sách Nhà nước đảm trách.
Thực tế, cho dù được đánh giá là “điểm sáng” về phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế nhưng ngân sách Nhà nước đang phải chịu rất nhiều sức ép bởi các nguồn thu bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Trong khi đó, chỉ riêng việc mua vắc-xin phòng Covid-19, theo Tờ trình của Bộ Tài chính mới đây, với dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin cho khoảng 75 triệu người ước tính sẽ cần khoảng 25.200 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng gần 9.200 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng nhận định, khi dịch kéo dài, nhu cầu vắc-xin hàng năm tăng cao, kinh phí mua vắc-xin lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Hơn nữa, theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, kinh phí mua vắc-xin gồm nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vắc-xin tự nguyện chi trả.
Do đó, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vắc-xin, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc-xin nhằm triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Đề xuất này của Bộ Tài chính là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như về lâu dài bởi hiện chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có thể đưa ra được nhận định khi nào dịch mới chấm dứt.
Hơn nữa, nước ta cũng đã xác định “chung sống an toàn với dịch bệnh” cho nên, việc chuẩn bị các điều kiện cho cả trước mắt cũng như lâu dài để ứng phó hiệu quả với dịch bệnh là hết sức cần thiết.
Và “động thái” mới nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ phòng, chống dịch để mua vắc-xin, với yêu cầu phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Yêu cầu này là phù hợp và kịp thời. Vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực hiện như thế nào để tạo tiền đề cho việc hình thành và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch. Xa hơn là cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.