Tản Đà ngông và khéo với “Hầu Trời”

Tản Đà ngông và khéo với “Hầu Trời”

Tiêu biểu như trong bài “Hầu Trời” (in trong tập “Còn chơi”, xuất bản lần đầu năm 1921), thi sĩ không chỉ ngông, mà còn rất khéo.

Tản Đà ngông

Ở giai đoạn đầu của thế kỷ XX, những thanh niên trí thức yêu nước bị bế tắc trước thời cuộc, có người tìm đến rượu, có người say trong men tình ái, có người than thở buồn, có người muốn thoát khỏi thực tại. Riêng Tản Đà đã tìm cho mình cách giải tỏa cô đơn rất riêng, rất ngông khi ngược dòng tìm bạn tâm giao tận trời cao. Trước “Hầu Trời”, thi sĩ cũng đã từng mong ước “Muốn làm thằng Cuội” để thể hiện sự chán ngán cuộc sống nơi trần thế và mong được làm bạn cùng chị Hằng cho có bầu có bạn. Như vậy cũng đã gọi là ngông. Nhưng cái ngông đó mới chỉ dừng lại ở mơ ước, mong muốn: Muốn làm thằng Cuội, muốn làm bạn với chị Hằng.

Đến “Hầu Trời” thì cái ngông của Tản Đà dường như được bộc lộ một cách rõ ràng nhất khi “mối giao thiệp” của thi sĩ không chỉ dừng lại ở chị Hằng mà với cả tiên giới và ông cũng dõng dạc khẳng định mình là “trích tiên” – tiên bị đày xuống hạ giới. Lần này, không phải là mơ ước như khi xưa muốn làm thằng Cuội mà Tản Đà được Trời mời lên tiên giới do một sự tình cờ: Đêm hôm trăng sáng, nhà thơ một mình ngâm thơ, giọng ngâm lảnh lót vang vọng đến cả sông Ngân Hà, đánh thức giấc ngủ của Trời. Vậy là Trời sai tiên nữ xuống mời Tản Đà lên đọc văn cho Trời nghe. Tác giả hào hứng kể:

Đêm qua chẳng biết có hay không,

Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng,

Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!

Thật được lên tiên - sướng lạ lùng.

Rõ là mơ nhưng như thực, thực mà như mơ! Mọi thứ cứ như hiển hiện ngay trước mắt, mọi thứ đều là thật. Thật được lên tiên. Không phải đòi lên, mơ lên mà là được Trời mời lên. Cái ngông là ở chỗ đó. Cái danh giá cũng là ở chỗ đó. Tại đây, Tản Đà đã “thành thật” tường thuật lại buổi đọc văn đầy hứng thú nơi tiên giới. Qua đó thi sĩ cũng thể hiện sự ý thức cao về cái tài thơ văn của mình. Thời bấy giờ, vỗ ngực tự khen thơ mình hay kiểu như của Tản Đà chắc hiếm, nếu không muốn nói là không có. Vậy nhưng Tản Đà không ngại điều đó, ông tự hào:

Văn dài hơi tốt ran cung mây!

Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.

Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi

Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày

Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.

Văn hay, giọng đọc cũng hay khiến cho tất cả Trời và chư tiên thích thú. Họ nghe một cách say mê, nhập tâm làm cho người đọc thơ càng thêm đắc ý (Đương cơn đắc ý đọc đã thích) nên Đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn thuyết lí lại văn chơi. Và kết quả cuối cùng đầy viên mãn cho Tản Đà là: Chư tiên ao ước tranh nhau dặn/ Anh gánh lên đây bán chợ Trời! Chẳng phải ngông thì là gì khi thi nhân ngầm cho rằng, văn chương của mình được tiên giới đánh giá cao và sẽ đắt như tôm tươi nếu đem lên bán chứ không phải kiểu như ở hạ giới rẻ như bèo.

Ngông khi nói về tài năng văn chương là vậy. Tản Đà còn ngông cả ở “xuất thân” của mình. Trong “Hầu Trời”, theo như ghi chép trong sổ thiên tào thì ông bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Và theo như lời của Trời thì việc ông có mặt dưới hạ giới không phải bị đày mà là để thực hiện một trọng trách cao cả mà Trời giao phó: Làm sao cho thiên lương được hưng thịnh ở hạ giới. Cuối cùng, ông muốn nói rằng, mình cũng là tiên chứ không phải người phàm trần bình thường. Cuộc tiễn đưa về trần cũng đầy khác biệt, lưu luyến, bịn rịn Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt.

Tản Đà ngông và khéo với “Hầu Trời” ảnh 1
Ấn phẩm thơ của Tản Đà.

Tản Đà khéo

Cùng với sự ngông, tự đề cao tài năng văn chương của mình thì Tản Đà cũng rất khéo. Khéo ở chỗ khi thiên tào tra sổ xong nói ông bị đày xuống hạ giới vì tội ngông thì ông đã mượn lời của Trời để xí xóa cho cái tội đó: Trời rằng: “Không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc “thiên lương” của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Hẳn là ở cuộc sống trần thế ông đã từng bị mọi người nói là ngông nên nhân buổi lên hầu Trời mới mượn lời Trời để giải oan, để mọi người hiểu được tính ông như vậy là do đâu. Từ đầu đến cuối đều là Trời nói, thiên tào nói, cuối cùng Tản Đà cũng biết được mình là tiên (trích tiên), ông không hề nhận vơ chút nào cả.

Trở lại buổi đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe. Trước sự nhiệt thành tán thưởng của tiên giới, Tản Đà hào hứng lắm, đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn thuyết lí lại văn chơi. Rồi nhân cơ hội đó giới thiệu luôn tất cả những tác phẩm đã in của mình: Hai quyển Khối tình, hai Khối tình con, Thiên thần, Giấc mộng, Đài gương, Lên sáu, Đàn bà Tàu, Lên tám.

Trong thời kì của Tản Đà đang sống, viết văn đã được coi là một nghề để kiếm sống, văn chương đã được đem ra để mua bán. Mà đã mua bán phải giới thiệu thì người ta mới biết được. Nhưng chả lẽ ngồi không giữa phố, bắc loa lên nói cho người ta biết. Như vậy lại bảo là khoe, là ngông. Nên Tản Đà chẳng làm vậy, ông kể cho Trời nghe thôi, kiểu như tâm sự. Nhưng vô tình thi nhân đã giới thiệu được hết tất cả những áng văn đã được in và đang được bày bán của mình. Giống như bán hàng bây giờ, người bán phải có cái tài marketing, làm vừa lòng khách hàng. Khi quảng cáo về sản phẩm phải giới thiệu được các ưu điểm của sản phẩm thì khách hàng mới biết mà mua. Thì đây, Tản Đà cũng nắm được điều đó, cũng đầy đủ những lời hay ý đẹp về văn của ông. Nhưng không phải ông tự nói. Tự nói thì lại bị cho là ngông và kiêu. Ông hoàn toàn im lặng, cái hay cái đẹp của văn ông là do người nghe nhận xét. Mà người nhận xét đó lại là Trời - một đấng toàn năng:

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!

Văn trần được thế chắc có ít!

Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!

Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!

Êm như gió thoảng, tinh như sương!

Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”.

Mượn lời của Trời mà nói hết được những cái hay của văn mình từ ngôn ngữ (nhời văn) đến nội dung (khí văn). Quả thực, Tản Đà đã rất khéo trong việc giới thiệu văn chương của mình!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…