Tâm tư “thầy quá già...”

GD&TĐ - Bộ LĐ,TB&XH đang Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Là đối tượng tăng tuổi hưu theo như đề xuất, giáo giới không ít những băn khoăn, trăn trở với 2 phương án là nâng tuổi nghỉ hưu cho nữ lên đến 60, nam đến 62 theo lộ trình từ năm 2021. Việc tăng tuổi hưu khi dự báo tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang tăng cao là không phải bàn, nhưng tăng tuổi hưu ở giáo viên (GV) với những đặc thù của nghề này là câu hỏi lớn với đầy ắp tâm tư.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đặc thù của nghề giáo khác với nhiều ngành nghề, ở các trường phổ thông (đây là khu vực có số lượng giáo viên đông nhất), những thầy cô trong độ tuổi 55 – 60, với trên dưới 30 năm trong nghề là mắt đã mờ, chân chậm lắm rồi. Không phải vô lý khi thời gian trước xã hội đã từng định nghĩa nghề này là nghề “bán cháo phổi”. Không ít thầy cô sau khi nghỉ hưu ở độ tuổi 55 cho nữ và 60 cho nam sức khỏe đã yếu. Được nghỉ ngơi sau hàng chục năm cống hiến với nghề, vui vầy với con cháu là mong ước lớn nhất. Thế nên, tăng tuổi hưu đối với GV thực sự là “cú sốc lớn” với họ.

Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới, sau khi nghỉ hưu về làm Hội thẩm nhân dân ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, tâm sự: Nam sau 60, nữ sau 55 với các thầy cô là giới hạn cuối cùng rồi. Ở tuổi này, sức thầy cô đã yếu lắm, có người còn bệnh tật con cái phải chăm sóc. Còn người nào có khỏe hơn thì tham gia đoàn thể, xã hội, các phong trào địa phương là niềm vui chứ không phải là lao động. Kéo dài thêm thời gian nghỉ hưu theo như đề xuất là bài toán khó với vấn đề sức khỏe thầy cô. GV ngày ngày lên lớp, soạn giảng, dạy dỗ học sinh. Nhìn bên ngoài thì có vẻ nhàn hạ nhưng áp lực công việc là rất lớn. Tăng tuổi nghỉ hưu cho GV cũng là tăng áp lực công việc, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của các thầy cô, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trong xã hội khi mà công nghệ số ngự trị ở tất cả các ngõ ngách, nhất là thời 4.0, tư duy đổi mới - sáng tạo, tuổi cao chắc chắn sẽ khiến các thầy cô chậm chân trong các hoạt động dạy và học. Công nghệ dạy học với những giáo trình điện tử, thư viện số, dạy học tích hợp… đòi hỏi GV phải nhanh nhạy và thích hợp với trang thiết bị ngày càng hiện đại. Thử hỏi, những thầy cô ở lứa tuổi ngoài 50 sao có thể chạy theo tốc độ số hóa đang tăng tốc hằng ngày, hằng giờ. Khi các thầy cô không cập nhật được những công nghệ mới, trong khi học sinh lại ngày càng thông minh hơn, sáng tạo hơn, biết tận dụng tối đa kho tài nguyên số thì việc chậm chân của thầy cô có tuổi cũng đồng nghĩa với việc dựng rào cản cho GD phát triển.

“Thầy già con hát trẻ” là câu nói của người xưa ý đề cao kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của người thầy. Ngày nay, xã hội hiện đại nghề giáo đang đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao, đổi mới nhiều hơn, lượng tri thức cần cập nhật cũng ngày càng cao hơn, áp lực dạy học lớn hơn. Đặc thù nghề nghiệp như vậy nên người thầy cũng vất vả hơn và hao tổn sức khỏe nhiều hơn là điều dễ nhận thấy. Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, đặc biệt là với giáo giới. Nhiều băn khoăn, lo lắng, suy tư thầy cô giáo trẻ mới vào nghề dạy đến bao giờ mới được lương hưu. Còn các thầy cô có tuổi sau bao nhiêu năm cống hiến, sắp về hưu, thì nay lại bị kéo dài thêm trong khi sức khỏe ngày càng yếu và quá tải bởi tuổi tác!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ