Không yêu nghề, thương trò: Đừng theo nghiệp giáo

GD&TĐ - 17 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn, Sơn La) luôn tận tâm, sáng tạo đổi mới trong dạy học. Tại cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, cô Thanh Bình đã trải lòng những câu chuyện về cơ duyên với nghề giáo.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình cùng học trò (ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình cùng học trò (ảnh nhân vật cung cấp)

Yêu trò từ ánh mắt thơ ngây

Sinh năm 1980, khi học ở trường phổ thông, cô Bình đã mơ ước trở thành cô giáo và ước mơ đó trở thành sự thật. Năm 2002, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Thái Nguyên, cô về công tác tại Trường THPT Chu Văn Thịnh (Sơn La).

Hằng ngày, đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt thơ ngây của bao em học trò và những khát khao vươn lên từ đói nghèo, lam lũ cho ngày mai đang tới của các em, cô thấy yêu hơn nghề mình đã lựa chọn.

Cô Bình trải lòng: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học trò của mình đang trưởng thành, lớn lên”.

Không chỉ tích cực trong các hoạt động chuyên môn, cô Bình còn thường xuyên tham gia các cuộc thi do ngành Giáo dục phát động. Gần đây nhất cô tham dự hai cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo, học tập và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức và cuộc thi “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” và đoạt giải Nhì cuộc thi này.

Qua những câu chuyện đó, cô muốn nói rằng: “Ở bất cứ đâu trên khắp mọi miền đất nước, nơi nào có mái trường mến yêu, nơi đó mãi còn hiện hữu những thầy cô như cô giáo Duyên trong bài viết “Những hạt gạo thảo thơm mùa giáp hạt” đạt giải Nhì cuộc thi viết “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” với những việc làm nhỏ bé âm thầm nhưng mang ý nghĩa lớn lao”.

Trái tim người mẹ “đủ kiên nhẫn, thừa bao dung”

Chia sẻ về những kỷ niệm trong nghề giáo, cô Bình ngậm ngùi kể lại câu chuyện đến thăm nhà học sinh, vận động các em đi học. Đời sống của nhân dân vùng tuyển sinh của trường còn gặp nhiều khó khăn, các tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới của bà con còn hạn chế. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở trường vẫn là một con số không nhỏ. Có những em nhà cách trường 80 - 100km (các em phải ở lại khu bán trú của nhà trường đến cuối tuần mới về nhà).

Các thầy cô giáo hàng ngày đi xe máy mất khoảng 3 - 4 tiếng qua những con dốc dài vật vã, bánh xe bốc khói trơn trượt, có những khe núi chỉ cần lỡ tay là lăn xuống vực sâu hút. Hai bên đường cỏ dại tranh nhau ngoi lên với những thân ngô còi cọc gắng hút tí dinh dưỡng từ nền đất nghèo. Nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia, trong nhà các em không có một thứ gì đáng giá ngoài mấy chiếc nồi méo mó, đen nhẻm.

Chẳng biết cơn mưa rừng chợt đến hay sương núi nặng hạt. Suốt đêm cô không ngủ được, nghe từng tiếng rơi lộp bộp lay động tán rừng đang co mình trong giá lạnh. Buồn nhất là sáng ra không thuyết phục được gia đình học sinh và không đưa được các em trở lại trường.

Có lẽ nếu không có tình yêu nghề, có trái tim của một người mẹ, đủ kiên nhẫn, thừa bao dung và chan chứa yêu thương với học trò thì các thầy cô giáo vùng cao khó trụ lại với nghề.

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình cùng học trò (ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình cùng học trò (ảnh nhân vật cung cấp) 

Đánh thức tiềm năng sáng tạo

Tận tâm với nghề, tận tụy với học trò, tham gia nhiều cuộc thi viết về nghề giáo, cô Bình còn tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2017 - 2018, cô nhận Bằng khen của Công đoàn GD Việt Nam đã có thành tích trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”.

Theo cô Bình, đổi mới phương pháp dạy học chính là nâng cao chất lượng dạy học. Nhận thấy đa số học sinh ở các cấp học đều thích những giờ học Văn gắn với các hình thức sân khấu hóa, vẽ tranh, các game show hấp dẫn, phỏng vấn, đóng vai, thực tế ngoài nhà trường... vì thế, trong giảng dạy, cô luôn cố gắng áp dụng phù hợp các hình thức đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, cô tận dụng tối đa những điểm nhấn của công nghệ thông tin về tranh, phim ảnh, tư liệu và tái tạo lại bối cảnh lịch sử qua từng tác phẩm.

“Người thầy cần có lòng yêu nghề, sự gương mẫu, có năng lực sư phạm và biết truyền cảm hứng cho các em. Nhưng quan trọng nhất người thầy cần có trái tim của một người mẹ, đủ kiên nhẫn, thừa bao dung và chan chứa yêu thương với học trò của mình. Nếu không yêu nghề, thương trò không nên chọn nghề giáo”, cô Bình chia sẻ.

Cô Bình thích tìm hiểu những cái mới, cái hay nhiều khi cũng không theo những khuôn mẫu của giờ dạy, sau đó thử nghiệm và vận dụng trong bài giảng của mình, từ đó có cách điều chỉnh phù hợp. Sự hứng thú của các em được cô đặt lên hàng đầu. Để học sinh khỏi cảm thấy áp lực, cô không đặt nặng việc soạn bài, chuẩn bị bài của các em mà yêu cầu các em đọc tác phẩm. Hỏi xem các em thích nhất điều gì, vì sao.

Điều quan trọng thứ 2 là giáo viên cần dành nhiều thời gian chấm bài, phê và sửa lỗi cho học sinh. Học sinh của trường 96% là dân tộc thiểu số, các em yếu về dùng từ, đặt câu, diễn đạt nên cô dành nhiều thời gian chỉ ra điểm yếu, điểm mạnh của bài viết giúp các em tiến bộ hơn.

Cô tâm sự: “Chương trình GDPT mới đang triển khai. Tôi kì vọng vào chương trình Ngữ văn mới, tính mở, sự linh hoạt phù hợp với đối tượng, vùng miền theo hướng phát triển năng lực sẽ tạo cơ hội đánh thức tiềm năng sáng tạo của học sinh. Hi vọng rằng, trong tương lai môn học này sẽ khẳng định lại được “thương hiệu” của mình, lại là niềm đam mê của nhiều thế hệ học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ