- Chú Cam mang thiếp đến mời ông, ông đi vắng, chú ấy gửi lại cho cháu đấy - Bé Thùy Linh (tên đứa cháu gái) nói liếng thoắng. Rồi nghẹo cái đầu tròn tròn có hai tím bóc đuôi chuột về một bên - Cưới ai, chứ cưới chú Cam thì ông nên đi, chứ đừng giả ốm như mấy bận trước nữa, ông ạ. Mà ông đi thì phải cho cháu đi với cơ. À, ông cười rồi; Hoan hô...
Bé Thùy Linh nhảy lò cò trong sân, cười như nắc nẻ, vì nó đang nghĩ đến mấy chiếc kẹo bọc giấy xanh, giấy đỏ nó sẽ được vốc bỏ vào túi, và chạy lăng xăng để xem cô dâu, chú rể với mấy đứa bạn cùng lứa tuổi lên tám lên chín như nó.
Ông giáo Khằng bước đi như người mộng du ra bờ ao, ngồi xuống một cái rễ xù xì dưới gốc sung cổ thụ.
Năm nay ông tròn tám chục, có trên bốn mươi năm làm nghề dạy học và phần lớn là dạy ở trường làng. Mặc dù ông về hưu đã gần hai chục năm, nhưng các bậc phụ huynh và các học trò cũ vẫn thường lui tới nhà ông. Ai có công việc này nọ, đều thân hành đến mời ông, xem ông là vị khách quý của gia đình, và tất nhiên, ông cũng xem đó là một vinh dự lớn. Khốn thay, bây giờ đâu phải như ngày xưa.
Bây giờ, những đám hiếu hỉ, đến dự phải có “phong bì”. Nhà ông thanh bạch. Lương hưu của ông chỉ đủ đong gạo hàng tháng cho hai vợ chồng già với một đứa cháu nội, còn tiền mua thức ăn và cho các chi dùng khác, ông chỉ trông cậy vào một mảnh vườn bé tẹo tám thước đất chuyên trồng các loại rau đậu, thì lấy đâu ra mà nay “phong bì” cho đám hiếu, mai “phong bì” cho đám hỉ?
Vì thế, ai mời thì cứ việc mời, còn ông thì liệu cơm gắp mắm. Hầu hết là không đi. Sau này, nếu gia chủ có trách, thì ông cáo lỗi là hôm đó khó ở. Trường hợp nhà ông với nhà họ ở gần nhau quá, thì ông giả ốm bằng cách lên giường buông màn nằm rên hừ hừ. Làm vậy, lúc đầu, ông hơi ngường ngượng, nhưng mãi rồi cũng quen. Mỗi bận nhận được thiệp mời, ông chỉ liếc qua một cái, rồi gập lại, đút vào túi ngực là xong chuyện.
Nhưng lần này ông không làm thế được. Lần này, sau khi đút vào túi ngực, thì tấm thiệp mời không còn là một giấy nhỏ bé mỏng manh nữa, mà thực sự trở thành một tảng đá đè lên trái tim nhạy cảm của ông, khiến ông xây xẩm mặt mày...
Cách đây trên hai chục năm, làng Vĩnh Lộc này có một cậu bé tên là Nguyễn Văn Cam. Em học rất giỏi, từ lớp Một đến lớp Ba đều được xếp thứ nhất. Không may, bố Cam bị máy bay giặc Mỹ bắn chết. Một phần gánh nặng của gia đình bắt buộc phải chuyển sang đôi vai bé nhỏ, mảnh mai của cậu học sinh mới mười tuổi đầu đó. Vừa học, Cam phải cắt cỏ chăn trâu, phải lo liệu cơm nước hàng ngày.
Sau kỳ nghỉ hè năm 1973, Cam lên học cấp hai trường xã, và đến năm 1976 Cam vào học cấp ba trường huyện. Mặc dầu thời gian này Cam không còn là học sinh trực tiếp của thầy giáo Khằng nữa, nhưng tình cảm hai người vẫn gắn bó mật thiết với nhau. Thầy đã thực sự đóng vai người cha đỡ đầu của Cam, giúp Cam không chỉ riêng mặt tinh thần, mà còn cả vật chất. Nhờ vậy, trong học tập Cam càng tiến bộ, không những năm nào Cam cũng được nhận danh hiệu học sinh giỏi, mà còn tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về toán.
Sau kỳ thi đoạt giải cao Toán toàn tỉnh (ở lớp 8 và lớp 9) và một kì thi đoạt giải cao Toán toàn quốc (cùng vào năm lớp 9), Cam được ra Hà Nội học lớp chuyên Toán. Năm sau, em lại đoạt giải cao Toán quốc tế, và được đi du học nước ngoài. Tốt nghiệp cử nhân toán xong, Nguyễn Văn Cam tiếp tục ở lại nước này nghiên cứu làm luận án tiến sĩ. Sau thời gian gần chục năm trời đằng đẵng sống giữa một thủ đô hoa lệ,
Cam vẫn hướng về cái làng Vĩnh Lộc, nghèo khó, nơi có cánh đồng sẵn con cua, con ốc góp phần nuôi Cam khôn lớn, nơi có một ông thầy rất nghèo của, nghèo tiền nhưng giàu lòng nhân ái, đã tận tụy nâng đỡ Cam, đặt cho Cam những bước đi đầu tiên trên đường sự nghiệp. Vì thế, mặc dầu giá con tem gửi thư ra nước ngoài quá đắt, suốt thời gian Cam đi du học, thầy Khằng chỉ gửi cho Cam vẻn vẹn hai lá thư, nhưng riêng Cam thì mỗi tháng cậu ta vẫn gửi về cho thầy một lá thư đều đặn.
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học trở về nước tuần trước, thì tuần sau, Cam đã mang mấy thứ quà nhỏ đến thăm thầy. Anh rất mừng vì tuổi tác đã cao, nhưng thầy vẫn khỏe, mắt thầy vẫn sáng, răng thầy vẫn chưa rụng chiếc nào. Hai thầy trò thức suốt đêm ôn lại những kỷ niệm của một thời lận đận gian truân và nói cho nhau nghe những chuyện mới lạ trong mấy năm dài xa cách.
- Ông ơi! Sao ông buồn thế? - Con bé Thùy Linh đến bên ông giáo từ lúc nào, và thỏ thẻ hỏi - Hay ông lại không có tiền cho vào phong bì phải không?
Ông giáo nuốt khan nước bọt, cảm thấy như nuốt viên thuốc đắng. Con bé Thùy Linh lại nói:
- Nếu không có tiền để đi ăn cưới, thì ông lại giả ốm như mọi bận cũng được, chứ can chi phải buồn?
- Với ai chứ với chú Cam thì ông không thể làm thế được. - Ông giáo trả lời, và rút khăn mùi soa sụt mũi - Chao ôi! Giá trong nhà ta có cái gì bán được để có ngay năm chục nghìn bạc!
- À, hay cháu hái rau muống đi bán vậy? Ta có cả một ao rau muống xanh um lên kia kìa.
Ông giáo Khằng lắc đầu:
- Khắp làng trên xóm dưới rau muống ai cũng xanh um lên kia, thì biết bán cho ai?
- Ờ! Ông ơi!Hôm qua cháu thấy có mấy người dưới xuôi quảy quang gánh lên chợ Trường mua rau muống. Để cháu ra ngoài đường đứng đợi, biết đâu gặp họ lại mua.
Chẳng để ông kịp trả lời, bé Thùy Linh đã cắm đầu cắm cổ chạy ra cổng, suýt nữa thì húc phải chị Thảo Phương - một học trò cũ của thầy giáo Khằng, nhưng nay đã lớn lên, lớp mười hai, vừa đi học về.
- Thùy Linh chạy đi đâu mà như bị ma đuổi thế kia? - Chị Thảo Phương ngước khuôn mặt trái xoan, hiền lành nhìn bé Thùy Linh và hỏi. Bé Thùy Linh ngượng nghịu kéo cái đuôi sam tóc che vào miệng, nói lí nhí:
- Em đi gọi người mua rau muống. Dọc đường về đây, chị có gặp người nào quảy quanh sọt đi qua không?
- Chị không thấy. Thôi em về đi, kẻo tha thẩn dọc đường đụng phải ô tô, xe máy thì khổ.
- Nhưng mà em cần bán rau lắm cơ. Để... để...để...
- Để làm gì thì nói cho chị nghe nào?
Chị Thảo Phương giục đi giục lại năm lần bảy lượt, bé Thùy Linh đành kể cho chị ta nghe về nỗi buồn của ông nội từ khi nhận được tấm thiệp mời dự lễ thành hôn của chú tiến sĩ Nguyễn Văn Cam.
- Khổ tâm cho thầy quá, em nhỉ? - Chị Thảo Phương kêu lên cặp mắt bồ câu tuyệt đẹp của chị đỏ hoe như muốn khóc. Một lát, chị nói: - Thôi, bây giờ Thùy Linh về đi, để chị xuống Quảng Văn gọi người lên mua rau muống cho.
- Liệu chị có gọi được ai không? Để em về báo trước cho ông mừng.
- Được, chắc chắn là được. Em cứ về thưa với thầy, sáng mai sẽ có người đến nhà ta mua vài trăm bó rau muống...
Nhưng Thảo Phương không xuống Quảng Văn, mà đi tìm ba cô bạn gái khác đều là học trò cũ của thầy giáo Khằng. Thảo Phương thông báo cho ba bạn biết nỗi buồn của thầy giáo, rồi họ cùng bàn bạc làm sao trong vòng hai ngày tới phải kiếm đủ năm chục nghìn bạc để cho thầy giáo đi dự cưới.
*
* *
- Có lẽ hôm nay chả có ai đến mua rau muống nhà ta đâu, Thùy Linh ạ - Ông giáo Khằng cúi xuống xoa đầu đứa cháu nội, nói như người hối lỗi - Bây giờ đã chín giờ rưỡi rồi, còn gì?
Thùy Linh thở dài:
- Không ngờ chị Thảo Phương lại nói dối!
- Thảo Phương không nói dối đâu. Nó vốn là một cô bé ngoan ngoãn, ông biết. Hôm qua chắc nó vắt chân lên cổ mà chạy đi tìm người mua rau giúp thầy, nhưng không ra đấy thôi - Ông giáo bất giác nhìn ra mặt ao, nơi có những chiếc hoa bèo tim tím bị sóng xô dạt vào bờ, rồi hạ giọng - Thôi đành vậy, cháu ạ. Chúng ta sẽ không đi đám cưới chú Cam được đâu. Từ giờ đến chiều ta phải đóng chặt cổng. Có ai hỏi ông, cháu bảo ông ốm nặng nhé.
- Ông lại phải giả ốm à? Nhưng liệu chú Cam đòi vào thăm ông bằng được thì làm sao?
- Yên trí! Vì đã nhiều lần thế rồi nên ông giả ốm giỏi lắm. Hơn nữa, bây giờ, ông định uống luôn một liều thuốc tẩy giun, thì ông sẽ mệt thực sự, chứ không mệt vờ đâu... Ô kìa, hình như bên nhà trai có tiếng còi ô tô thì phải! Chắc là người ở cơ quan chú Cam đã về rồi. Nhanh lên cháu! Đóng cổng lại, nhanh lên!
Ông giáo vừa nói vừa cười hề hề cho đứa cháu nội khỏi khổ tâm, thì chợt nghe một giọng đàn bà lanh lảnh, làm ông giật mình:
- Cái gì? Ông nghe nhầm không đây? Có người đến mua rau muống ư?
- Dạ, cháu cũng nghe ai hỏi đúng thế ạ.
Thùy Linh chạy lon ton ra cổng.
Ông giáo Khằng cũng theo cháu chạy ra!Vẻ vui mừng lộ rõ trên mặt.
- Nhà bác ở Quảng Văn lên à? Bác mua nhiều không? - Ông hỏi:
- Dạ, vài trăm bó - Bà hàng rau vẻ ngượng nghịu - Thưa thầy, lẽ ra tôi phải đến sớm hơn, nhưng vì nhà có chút việc đột xuất... Rồi bà cất cao giọng - Vậy thầy định bán bao nhiêu một chục bó ạ?
- Bao nhiêu cũng được. Cả ao muống to tướng thế kia bác có thể hái tất, chỉ cần bác trả cho tôi năm chục nghìn là được.
“Bà hàng rau” cười tủm tỉm:
- Thưa thầy, không dám ạ. Tôi chỉ xin hái một trăm bó, và xin trả thầy hai trăm nghìn đồng, được chứ ạ?
- Ừ, được lắm chứ, được lắm! - Thầy giáo Khằng như trẻ lại hàng chục tuổi - Cám ơn bác vô cùng, cám ơn! Thùy Linh đâu, đi vào nhà ông bảo.
Bé Thùy Linh lẽo đẽo theo ông vào nhà:
- Giờ thì không cần giả ốm nữa phải không ông?
- Đã có hai trăm nghìn đồng trong tay rồi thì giả ốm làm gì nữa. Hà hà... rất may là ông chưa uống thuốc tẩy giun!
Bất giác ông thọc tay vào túi áo lấy tấm thiệp mời vuốt lại cho phẳng phiu, cầm soi lên ánh sáng, và nở nụ cười mãn nguyện.n