Bên cạnh những danh tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, nhà Thục Hán còn có không ít những hàng tướng không kém phần mạnh mẽ như Ngụy Diên, Vương Bình, Khương Duy,...
Trong đó Ngụy Diên là một trong những hàng tướng nổi tiếng, đi theo Lưu Bị sớm nhất nhưng lại là người không được lòng Gia Cát Lượng nhất.
Ngụy Diên tự là Văn Trường, đi theo Lưu Bị sau khi Quan Vũ chiếm được Trường Sa. Ông có sức khỏe, dũng mãnh hơn người và biết quan tâm đến quân sĩ, nên rất được cấp dưới kính trọng. Tuy nhiên Ngụy Diên lại không được lòng bạn bè hay các quan tướng cùng chướng, đặc biệt là Gia Cát Lượng.
Công bằng mà nói, Gia Cát Lượng cũng nhìn nhận tài năng của Ngụy Diên, hay đề bạt, giúp ông có một địa vị nhất định trong quân đội Thục Hán. Tuy nhiên, không giống như Lưu Bị hoàn toàn tin tưởng, Gia Cát Lượng luôn đề phòng, hạn chế tầm ảnh hưởng Ngụy Diên và thậm chí không bao giờ lắng nghe ý kiến của Ngụy Diên.
Có người nói do Ngụy Diên đã giết chủ cũ là Hàn Huyền, mang thành Trường Sa dâng cho Quan Vũ để đi theo Lưu Bị, nên bị Gia Cát Lượng coi là phản phúc. Tuy nhiên hàng tướng nhà Thục ngoài Ngụy Diên vẫn còn có Khương Duy hay Vương Bình, họ đều được Gia Cát Lượng tin tưởng, một người được chọn làm người kế cận và một người được trao cả binh quyền.
Ngoài ra những người mê sử đều biết, thực chất Ngụy Diên là người rất trung thành, dũng cảm và những phẩm chất đó được không chỉ Lưu Bị mà cả Gia Cát Lượng quý mến.
Vậy tại sao Gia Cát Lượng lại có thể hoàn toàn tin tưởng hàng tướng Khương Duy và Vương Bình, nhưng lại luôn cố áp chế Ngụy Diên?
Lý do đầu tiên là bởi Khương Duy và Vương Bình chịu phục tùng mệnh lệnh. Không giống như Lưu Bị, mặc dù cách dùng người của Gia Cát Lượng rất táo bạo nhưng luôn chặt chẽ. Bất kể là sử dụng Mã Tắc, Khương Duy hay là Vương Bình, ông đều tính toán và sắp xếp rất cẩn thận rồi mới cho họ đi làm nhiệm vụ. Hơn nữa, Khương Duy và Vương Bình luôn nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, không một chút dị nghị, những người như vậy luôn khiến Gia Cát Lượng an lòng.
Tuy nhiên Ngụy Diên thì lại khác, cho dù ông không bao giờ kháng lại mệnh lệnh của Gia Cát Lượng nhưng trong lòng luôn bất phục. Thậm chí Ngụy Diên còn cảm thấy Gia Cát Lượng hành sự quá nhút nhát, trái ngược với suy nghĩ và phong cách của mình.
Đối với Gia Cát Lượng, một người như vậy khi hành sự theo "kỳ mưu" của ông rất dễ xảy ra sai số, thế nên tự nhiên cảm thấy không thể an tâm khi sử dụng Ngụy Diên.
Gia Cát Lượng luôn đề phòng và muốn áp chế Ngụy Diên vì còn một lý do quan trọng khác, đó là bởi Ngụy Diên quá cuồng vọng. Ví dụ như đề xuất "Tý Ngọ Cốc" của Ngụy Diên tuy được các nhà sử học sau này đánh giá rất cao nhưng lại quá mạo hiểm, nếu bại tất sẽ đẩy nhà Thục đến bờ diệt vong.
Một ván cờ như vậy, một người thận trọng như Gia Cát Lượng không dám và cũng không thể đặt cược, vì ông chỉ là một trọng thần chứ không phải đế vương để đưa ra quyết định mạo hiểm cho cả quốc gia. Vì vậy Gia Cát Lượng mới bác bỏ những ý kiến của Ngụy Diên.
Đồng thời Gia Cát Lượng hiểu rằng sau khi ông chết sẽ không ai có thể áp chế Ngụy Diên được. Thế nên để đề phòng tai họa tiềm ẩn mà Ngụy Diên có thể gây ra cho nhà Thục và tránh nội đấu trong quân ngũ, Gia Cát Lượng vào những năm cuối đời luôn gạt bỏ Ngụy Diên khỏi các chiến dịch quân sự để giảm tầm ảnh hưởng của Ngụy Diên trong quân đội.
Về người thừa kế Gia Cát Lượng là Khương Duy, tuy cũng là một người cuồng nhiệt chủ chiến, nhưng ông không bao giờ đưa ra những phương pháp cực đoan như Ngụy Diên. Còn Vương Bình là một người phép tắc, chỉ nghe lệnh hành sự, không bao giờ tự tiện xen vào quyết định của đại sự.