Ông cha ta từ thuở khai thiên lập địa đã một mực cương quyết:
“Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục
ao nhà vẫn hơn”.
Đã mở lòng?
Bởi suy nghĩ ca dao là trí khôn muôn đời của nhân dân, những bài học mà ca dao mang lại đều sâu sắc và hoàn mĩ, thế nên quan điểm “Ta về ta tắm ao ta” dường như mỗi ngày một phổ biến hơn trong đời sống.
Cũng vì suy nghĩ đó nên số đông người Việt không dám mở rộng lòng mình nhìn ra thế giới, không chịu tiếp thu những điều hay lẽ phải, những thành tựu văn hóa bên ngoài.
Điều này cũng dễ hiểu bởi người Việt chịu ảnh hưởng to lớn từ văn hóa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, cùng với những điều kiện xã hội, điều kiện sinh thái khác biệt hoàn toàn với các quốc gia phương Tây.
Lối sống khép kín và thái độ tôn thờ, ý thức bảo vệ đến bảo thủ những giá trị văn hóa trong đời sống của người Việt. Những nguyên nhân sâu xa đó tự bao giờ đã trở thành bức tường rào vững chãi ngăn chặn những luồng văn hóa mới từ bên ngoài chảy vào Việt Nam.
Những năm gần đây, người Việt Nam có vẻ phóng khoáng, cởi mở hơn trong việc tiếp thu những luồng văn hóa mới mà vẫn nỗ lực giữ lấy bản sắc văn hóa Việt Nam, không để cho những tinh hoa văn hóa dân tộc bị mai một.
Một tín hiệu đáng mừng là người Việt đã dũng cảm nhìn nhận những thói xấu trong tính cách, những điểm tiêu cực trong văn hóa, dần dần khỏa lấp hạn chế bằng cái mới, cái hiện đại.
Trong thời đại hôm nay, Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy hội nhập văn hóa với các nước, sẵn sàng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, xây dựng đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ và lành mạnh. Việt Nam đã ký kết rất nhiều những hiệp ước song phương, đa phương về văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế.
Những tiền đề trên góp phần mang màu sắc mới vào đời sống văn hóa của người Việt Nam, tạo cơ hội thuận lợi để nhân dân ta hiểu thêm về văn hóa nước bạn, đời sống tinh thần giàu có, phong phú, khơi dậy nhiều giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng.
Nền văn hóa Việt Nam được hình thành từ lâu đời, song hành cùng bề dày lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đó là sản phẩm của trí tuệ cha ông ta thuở trước dày công xây đắp. Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng hào sảng tuyên bố với quân Minh rằng:
“Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác”.
“Phong tục” - ấy chính là biểu hiện của văn hóa nước Nam (tức Việt Nam ngày nay) tồn tại sánh ngang cũng phương Bắc (tức Trung Quốc), một nền văn hóa vững chãi và riêng biệt, không thể lẫn lộn với bất kỳ quốc gia nào được.
Bên cạnh việc tiếp thu văn hóa, nước ta cũng không ngừng giới thiệu văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Áo dài đã diễn ra sáu mùa, được đông đảo các nhà thiết kế áo dài Việt Nam tham gia, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Ở Đà Nẵng, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra lần đầu năm 2008 tạo điểm nhấn về văn hóa - du lịch, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, quảng bá vẻ đẹp của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế.
Ở Tây Nguyên, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk mang tầm vóc cấp quốc gia, quảng bá hình ảnh cây cà phê nổi tiếng Việt Nam đến bạn bè trong nước và ngoài nước.
Đặc biệt, cuộc thi Duyên dáng Áo dài Việt Nam tại châu Âu năm 2017 do Hội Phụ nữ Leipzig, CHLB Đức tổ chức đưa tà áo dài Việt Nam ra tầm quốc tế… Hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa ra nước ngoài cũng như tiếp thu, học hỏi văn hóa nước bạn đem lại nhiều thành tựu đáng kể - niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Mối lo lai căng
Tuy nhiên, hội nhập văn hóa cũng có những mặt hạn chế đáng báo động. Lối sống phóng khoáng, tự do (theo cách của người phương Tây) vô tình khiến đạo đức của một bộ phận người Việt Nam xuống cấp trầm trọng.
Trào lưu sống thử đang lan rộng trong giới trẻ Việt Nam. Nếu người Việt Nam xưa xem trọng chữ “trinh”, “trinh tiết”, “tiết hạnh” thì số đông người trẻ ngày nay xem nhẹ chuyện tình dục, sống buông thả, “ăn cơm trước kẻng” rồi đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Có vẻ như bốn chữ: “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” mà cha ông xưa dùng để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ, ngày nay bị rẻ rúng.
Thực chất, “tứ đức” là điều cần có ở một người phụ nữ, tuy nhiên, tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi hoàn cảnh mà “tứ đức” cần được điều chỉnh đôi chút cho phù hợp nhưng vẫn giữ được cái chuẩn mực vốn có chứ không phải là đánh mất, xóa hẳn đi. Hiện tượng văn hóa bị “lai căng”, hỗn tạp diễn ra ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những tinh hoa văn hóa vốn có.
Trong giao tiếp, một số người đã đệm tiếng Anh, tiếng Pháp vào trong tiếng Việt, họ thể hiện bản thân quá đà khiến câu nói Tây không ra Tây mà ta không ra ta.
Việc “sáng tạo” ngôn ngữ, từ mới mà ta thường gọi là “Ngôn ngữ tuổi teen”, “teen code” vô tình đánh mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Những tệ nạn xã hội xuất hiện ngày càng nhiều là mối lo ngại cho các nhà lãnh đạo, những người cầm cân nảy mực.
Đứng trước cánh cửa hội nhập văn hóa, bên cạnh những mặt tích cực còn gây ra nguy cơ đánh mất các chuẩn mực văn hóa tốt đẹp được cha ông ta sáng tạo và giữ gìn từ ngàn đời nay.
Văn hóa lấy con người làm gốc. Đất nước phát triển là đất nước có bề dày văn hóa, có bản sắc riêng, con người sống văn minh, nhân ái. Bởi thế, chúng ta phải nỗ lực giữ gìn “cái gốc” của người Việt Nam, bảo vệ những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý.
Chúng ta sẵn sàng tiếp cận văn hóa nhân loại trên tinh thần: Tiếp thu, học hỏi cái mới, bài trừ mặt hạn chế, vì một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.