Một ngày đầu tháng 9/2017, vượt đường xá xa xôi, hiểm trở, chúng tôi tìm đến với xã vùng cao Phước Lộc, huyện Phước Sơn để được tận mắt ghi nhận hoạt động dạy và học tại các xã vùng sâu còn nhiều khó khăn này.
Từ trung tâm xã Phước Lộc, chúng tôi phải “đánh vật” hơn 3h đồng hồ mới đến được với các bản Ka tủ, Lô Lố. Đường vào 2 bản Ka tủ, Lô Lố phải đi qua nhiều suối, đường đi xẻ dọc khu rừng lởm chởm đá. Tại đây có 2 điểm trường đó là Trường tiểu học Ka tủ và Trường tiểu học Lô Lố. Đây là 2 điểm trường tạm, để dạy chữ cho học sinh, các thầy, cô giáo phải mượn nhà văn hóa cộng đồng của 2 bản rồi che phên tre, nứa để ngăn làm lớp học. Cả 2 điểm trường có 5 lớp với 22 học sinh các khối 1 đến 5. Các lớp phải thay nhau học trong 3 căn phòng tạm dưới chân nhà văn hóa cộng đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở vật chất tại 2 điểm trường này còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, bàn ghế xiêu vẹo, về mùa mưa thì lớp học bị dột nát. Tham gia dạy học tại 2 điểm trường này có 06 giáo viên (trong đó 4 giáo viên nam, 02 giáo viên nữ). Các thầy, cô cùng tạm trú tại một dãy nhà 4 phòng được xây năm 2008, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp.
Vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường
Nhớ về những ngày đầu lên đây dạy chữ, thầy giáo Dương Công Đức (40 tuổi), dạy học tại bản Ka tủ, cho biết: “Những ngày đầu tiên lên đây nhìn mọi thứ xung quanh rất hoang sơ, rừng núi còn nhiều, rừng thiêng nước độc. Người dân địa phương phải lấy tre nứa lợp lại làm nơi cho thầy, cô dạy học. Thiếu thốn trăm bề, sên, vắt nhiều không kể xiết. Đến nay đỡ hơn rồi, nhưng việc đi lại còn khá vất vả, điều kiện dạy học chưa được cải thiện”. Thầy Đức bắt đầu liệt kê hàng loạt khó khăn, như: trường học khá tạm bợ, các trang thiết bị thiếu thốn, sách vở cho học sinh không đủ… đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, về phong tục tập quán của bà con, nhiều phụ huynh chưa ý thức cao trong việc học hành nên ít quan tâm đến con em mình. Tình trạng học sinh bỏ học theo cha mẹ lên nương làm rẫy vẫn còn xảy ra. Vào đầu năm học, các thầy cô phải đi vận động học sinh đến lớp…
Cô giáo Trần Thị Thanh Tuyền (SN 1991, dạy học tại điểm trường thôn Lô Lố) đã tham gia dạy học ở vùng rẻo cao này được 5 năm nay. Cô Tuyền cho biết: “Hiện tại điểm trường thôn Lô Lố vẫn đang mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng của bản để làm phòng học tạm và dạy chữ. Các em học sinh trên này rất ngoan. Thường thì những khi vào mùa lũ và vụ mùa, thời điểm các học sinh thường trốn học vì phải lên nương làm rẫy cùng với gia đình. Công tác vận động gặp nhiều khó khăn.
Chị, em trên này cũng thường xuyên yêu thương giúp đỡ, động viên nhau để bám bản dạy học…”. Thầy giáo Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Lộc cho biết: Trong 08 điểm trường Ka tủ, Lô Lố là khó khăn nhất, thiếu cơ sở vật chất, trường học. Đây cũng là 2 bản nghèo nhất xã Phước Lộc nên việc dạy chữ rất khó khăn. Về điểm Ka Tủ, Lô Lố, hầu hết các giáo viên đều trẻ tuổi nên tuổi nghề và kinh nghiệm chưa có. Tiếp xúc với dân bản còn e ngại nên rất khó khăn khi bám bản dạy chữ.
Hàng năm chúng tôi cũng phải mở các khóa đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ. Được tiếp xúc chuyện trò với các thầy, cô giáo, chúng tôi thấu hiểu hơn cái nghiệp “gieo chữ” giữa núi rừng vùng cao này. Dù điều kiện khó khăn, xa gia đình nhưng các thầy, cô vẫn tích cực bám bản, tận tình dạy chữ cho học sinh. Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2017) đến, các thầy cô chia sẻ ước muốn rằng học sinh của mình chăm ngoan, biết vâng lời, tiếp thu được bài giảng, biết đọc viết thông thạo là món quà quý giá nhất đối với thầy cô.
Nghĩa tình thầy cô với học trò
Cuộc sống khốn khó ở những nơi vùng cao heo hút lại càng đong đầy thêm nghĩa tình thầy trò, viết nên nhiều nghĩa cử cao đẹp giữa giáo viên và học sinh giúp các em vơi bớt đi những khó khăn và vững tin hơn trên con đường biết “con chữ” của các em. Cô giáo Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ: Dạy học ở đây hơn 15 năm nên cô có rất nhiêu kỷ niệm với các em học sinh. Mới cách đây vài ngày, trong một giờ lên lớp cho học sinh lớp 6, cô thấy vắng một học sinh nam trong lớp. Hỏi ra mới biết bạn ấy đang ở dưới lán trọ, không đi học. Xuống đến nơi, gặng hỏi mãi em học sinh đó mới chịu nói là do nhà nghèo quá, cả năm học chỉ có 2 cái quần, một cái đã ướt cái còn lại thì lại bị rách nên em xấu hổ không dám mặc đến lớp. Cô vội lấy kim, chỉ khâu nhanh cho em học sinh đó rồi cùng em đó đến lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng, giáo viên dạy môn giáo dục và môn văn chia sẻ thêm: Hiện nay đang là mùa thu chuẩn bị sang đông, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không có áo ấm để đến trường. Nhìn cảnh học trò co ro chịu rét trong lớp, mỗi thầy cô giáo đều cảm thấy xót xa. Năm ngoái, nhà trường đã tổ chức được 2 đợt quyên góp tiền ủng hộ để mua áo ấm và một số đồ dùng học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học này, nhà trường vẫn đang tiếp tục tiến hành các đợt quyên góp tiền để mua áo ấm tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi đông về.
“Chúng em mong ước có một ngôi nhà”
Những túp lều tạm bợ này được dựng lên từ năm 2010, với biết bao nhiêu mong ước và chờ đợi về một ngôi nhà bán trú đàng hoàng, kiên cố để cho các em học sinh nơi đây có thể tránh mưa, nắng và gió rét, để các em có thể có các điều kiện tốt hơn yên tâm để học tập. Tuy nhiên đã hơn 06 năm nay, niềm mong mỏi ấy của các em học sinh và thầy cô nơi đây vẫn chưa thể thành sự thật, dù đã rất nhiều lần được nghe nói sẽ xây dựng nhà ở bán trú cho các em. Em Hồ Văn Sơn, học sinh thổ lộ: Không có điện, buổi tối chúng cháu phải học bằng đèn pin, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập… Còn em Hồ Thị Én, học sinh lớp 3 thì cho biết: “Mùa đông ở nơi đây lạnh lắm chú ạ. Lều của cháu và các anh chị chỉ được dựng lên bằng liếp tre phủ bạt nên rất rét buốt, nhất là ban đêm. Vì thế mà mỗi khi đông về, có nhiều em nhỏ và các anh chị bị ốm lắm”.
Ngồi trò chuyện và trao đổi cùng chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Ánh cho biết toàn trường có 207 học sinh, trong đó có 64 học sinh THCS, 102 học sinh tiểu học, còn lại là mầm non. Hiện nay xã chưa có điện nên việc dạy học, sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh cũng khó khăn. Ngoài ra, trường sử dụng nguồn nước lấy trên suối nên vào mùa nắng thường thiếu nước sinh hoạt. Nhà ở giáo viên chật chội, khu ký túc xá của học sinh cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn trường có 102 học sinh hưởng chế độ bán trú, mỗi tháng được hỗ trợ 15 kg gạo và 460.000 đồng. Hằng ngày, các em học sinh phải ở trong những căn phòng nhếch nhác, bữa ăn rất đạm bạc, chỉ toàn rau. Buổi tối đến không có điện, thiếu dầu thắp đèn... Thầy Ánh nói rằng chỉ có lòng thương và sự sẻ chia thì các giáo viên mới có thể gắn bó với trường ở những nơi xa xôi như thế này. “Hầu hết gia đình các em học sinh đều rất thiếu thốn, trong khi lương bổng của giáo viên không có nhiều để bù đắp cho các em. Tôi không mong gì hơn ngoài việc kêu gọi những nhà hảo tâm chia sẻ, giúp các em có được tấm áo ấm và chăn màn cũ để các em khỏi chịu cảnh rét mướt vào những ngày mưa”, thầy Ánh trải lòng.
Có thể nói, dù đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất nhiều của các thầy cô và các cấp chính quyền ở địa phương, nhưng việc học tập và sinh hoạt của các học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Phước Lộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường cũng như học sinh đều rất mong mỏi nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền và xã hội để học sinh có nhà trọ học mới đủ ấm, có bữa cơm đủ no, tiếp tục bám trường học con chữ.