Cùng học trò làm nên ý tưởng…
Nghĩ đến những khó khăn trong quá trình giao tiếp của trẻ mắc hội chứng Down, cô Hà cùng hai học sinh là Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy bắt tay vào nghiên cứu thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống.
Cô Hà cho biết: Đối với trẻ em mắc hội chứng Down hạn chế trong khả năng nhận thức, khả năng chú ý thấp, suy giảm chức năng bộ nhớ thính giác ngắn hạn, hạn chế về thính giác, kỹ năng vận động tinh và thô yếu, khó khăn trong việc tổng hợp và suy luận kiến thức nên dễ gặp khó khăn thậm chí nguy hiểm trong cuộc sống. Nên bên cạnh việc học đọc, thì học các kỹ năng sống thiết yếu là rất quan trọng.
Cô cho biết thêm: “Cũng như bao nhiêu trẻ em bình thường khác, trẻ em mắc Down cũng có quyền được học tập vui chơi, cần có sự quan tâm nhiều hơn của người thân, Nhà trường và cộng đồng xã hội.
Đặc biệt quan tâm đến việc dạy cho trẻ biết đọc và kĩ năng sống thiết yếu cần có cho trẻ có thể tự phục vụ bản thân và vượt ra những khó khăn thường gặp của cuộc sống. Vì vậy, nhóm nghiên cứu xây dựng thiết bị mang tên PSE (hình ảnh, âm thanh, biểu cảm) giúp trẻ học chữ cái thông qua các chủ đề của kĩ năng sống, thiết bị này tương tác trực tiếp với trẻ thông qua thảm thông minh được gắn chíp cảm biến và sỏi mat xa giúp tăng khả năng vận động, tuần hoàn máu dưới lòng bàn chân từ đó tác động đến não bộ, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ, sức đề kháng”.
…để nghiên cứu thành công sản phẩm
Nội dung chương trình học của trẻ bao gồm 15 chữ cái được xây dựng tương ứng với 15 chủ đề kĩ năng sống thiết yếu cho trẻ. Hình thức thể hiện là sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh và video quay biểu cảm hướng dẫn học của nhóm nghiên cứu. Thiết bị đưa ra cảnh báo, hướng dẫn động viên, khích lệ trẻ khi trẻ làm sai và khen ngợi, thưởng khi trẻ làm đúng.
Thiết bị gồm: Máy chiếu hoặc tivi kết nối với máy tính; thảm cảm ứng không dây với 04 chip cảm biến gắn trên thảm; sỏi mát xa gắn trê bề mặt thảm để trẻ vận động.
Đây là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu về việc thiết kế trò chơi PSE tích hợp âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm trẻ vận động trên các viên sỏi để trẻ học đọc đồng thời phát triển các tri giác của trẻ. Thiết bị cũng giúp trẻ vừa học đọc, vừa học các kỹ năng sống, vừa vận động để kích thích các giác quan phát triển.
Lợi ích của thiết bị dành cho trẻ bị Down
Khi sử dụng thiết bị PSE này, trẻ bị Down sẽ nhận được những lợi ích thú vị.
Âm nhạc trong thiết bị tạo cảm giác vui vẻ, thư giãn cho trẻ. Bài hát gắn liền với nội dung chủ đề kĩ năng giúp trẻ khắc sâu thêm những kĩ năng được học.
Hình ảnh trong trò chơi giúp những trẻ Down hạn chế về thị giác sử dụng thiết bị bằng hình ảnh tương phản, xanh và trắng giúp trẻ dễ nhận biệt chữ cái.
Hoạt hình giúp trẻ đơn giản giúp trẻ tập trung vào 02 việc chính là học chữ và kĩ năng. Nếu làm hiệu ứng phức tạp sẽ làm trẻ phân tán khó tập trung. Nên nội dung hoạt hình đơn giản, rõ ràng sinh động hài hước của nhóm nghiên cứu giúp trẻ vui vẻ và ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
Một điều quan trọng khi sử dụng thiết bị là biểu cảm người hướng dẫn. Vì trẻ Down khó khăn trong việc tiếp nhận và lưu giữ thông tin nên nội dung hướng dẫn phải rõ ràng mạch lạc, rõ ràng, chậm và dễ hiểu. Ngôn ngữ cơ thể biểu cảm kết hợp với ngôn ngữ nói sẽ tác động đến các giác quan của trẻ, nhất là phần hướng dẫn đọc về khẩu hình sẽ giúp trẻ rèn thêm kĩ năng phát âm.
Trong trò chơi PSE, viên sỏi bàn nhảy có kích thước nhỏ sẽ tác động lên các huyệt đạo trên lòng bàn chân sẽ giúp tăng tuần hoàn máu, tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật cho trẻ.
Theo kết quả nghiên cứu, những trẻ tham gia trò chơi đều hứng thú với phần thưởng: Sau mỗi trò chơi là 1 sticker với âm thanh vỗ tay sẽ tạo ra động lực giúp trẻ hứng thú tham gia vào trò chơi.
Với tấm lòng tâm huyết với học trò, cô Hà đã dành rất nhiều công sức để có thể nghiên cứu ra thiết bị này và mong muốn được ứng dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi. Sau khi nghiên cứu thành công, cô đã thử nghiệm với một số trung tâm giáo dục đặc biệt và trung tâm giáo dục cộng đồng và có kết quả đáng mừng. Cô chỉ mong “trẻ mắc bệnh Down sẽ được học tập, vui chơi như những trẻ em bình thường khác”.