Tạm lắng nỗi lo tăng viện phí

GD&TĐ - Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trước thông tin tăng giá viện phí, dịch vụ y tế từ ngày 1/8 đã khiến nhiều bệnh nhân lo lắng, tuy nhiên, việc điều chỉnh viện phí đợt 2 trong năm 2016 vẫn đang được cơ quan BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cân nhắc xem xét điều chỉnh thời gian có thể từ nay đến cuối năm 2016.

Tạm lắng nỗi lo tăng viện phí

Lùi thời gian tăng viện phí

Lý giải nguyên nhân không điều chỉnh tăng viện phí theo lộ trình đã thống nhất trước đây, ông Sơn cho biết, vào tháng 6/2016, cơ quan BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất lùi thời hạn tăng viện phí đợt 2 năm 2016 từ tháng 7 sang tháng 8/2016. Lần tăng viện phí này áp dụng ở 10 tỉnh, thành phố có số người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao từ 90 - 95% trở lên, trong đó sẽ điều chỉnh viện phí của 1.900 dịch vụ y tế với mức tăng khá mạnh nhưng chỉ áp dụng với đối tượng bệnh nhân có thẻ BHYT.

Tuy nhiên, Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Y tế lên “kịch bản” dự báo tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và đời sống của người dân sau khi tăng viện phí đồng thời nghiên cứu viện phí áp dụng cho đối tượng không có BHYT trong thời gian tới. Nếu viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm này.

Cũng theo lộ trình được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất đề ra, ngoài đợt tăng viện phí thứ hai trong năm 2016, từ cuối 2016 đến nửa đầu 2017 sẽ tiếp tục có thêm nhiều đợt điều chỉnh viện phí mới. Mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành phố (theo thứ tự các địa phương có độ bao phủ BHYT từ cao xuống thấp và những áp dụng trước tại những tỉnh có mức tác động CPI thấp).

Theo danh sách BHXH Việt Nam cung cấp, 5 tỉnh hiện có tỉ lệ bao phủ BHYT từ 95% dân số trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đây là những địa phương sẽ tiến hành tăng viện phí ngay trong đợt này. Tuy nhiên, việc lùi thời gian áp dụng cũng khiến nhiều bệnh nhân bớt lo lắng hơn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, mốc thời gian lùi triển khai việc tăng viện phí đợt 2 năm 2016, BHXH và Bộ Y tế tiếp tục phải cân nhắc từ giờ tới cuối năm.

Nếu điều chỉnh, viện phí tăng thêm 50%

Theo tính toán, với việc đưa lương vào viện phí, đợt điều chỉnh lần này sẽ có hàng chục ngàn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%. Đơn cử, dịch vụ phá thai to từ tuần 13 đến tuần 22 tăng từ 430.000 lên 1 triệu đồng; mổ quặm 4 mi gây tê tăng từ 790.000 đồng lên gần 1,2 triệu đồng; cắt amidan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng; cắt ung thư vùng hàm mặt và tạo hình tại chỗ từ 5,9 triệu đồng lên 7,2 triệu đồng, cắt ung thư lưỡi từ 6,8 triệu đồng lên 8,2 triệu đồng; cắt u máu, u bạch huyết lồng ngực từ 6,7 triệu đồng lên gần 8 triệu đồng…

Các dịch vụ kỹ thuật như: Siêu âm đen trắng từ 30.000 đồng tăng lên 49.000 đồng/dịch vụ, siêu âm 4D từ 407.000 đồng lên 446.000 đồng, chụp X-quang từ 36.000 đồng lên 47.000 đồng…

Giá khám bệnh tại các bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt, BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng, BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực tại các BV hạng đặc biệt cũng tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh loại đặc biệt đối với các bệnh nội khoa: Hô hấp, truyền nhiễm, ung thư, tim mạch… từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng/ngày/người. Giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, sản không mổ, tai biến… cũng tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…

Đối với các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn đã tính viện phí bao gồm cả lương và phụ cấp của nhân viên y tế. Cụ thể, tại 9 BV: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Răng Hàm Mặt TPHCM, Nội tiết Trung ương và Phụ sản Trung ương… mức phí mới này đã được áp dụng từ lâu. Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức nhận xét, viện phí tăng giúp người bệnh được hưởng dịch vụ chất lượng hơn, đỡ chi tiền hơn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 30 - 40% bệnh nhân điều trị tại BV Việt Đức chưa có BHYT, trong khi các dịch vụ ở BV tuyến cuối như Việt Đức có giá rất cao. Nếu người dân không tham gia BHYT thì khi bị tai nạn, cấp cứu có chỉ định phẫu thuật và sử dụng kỹ thuật cao sẽ rất nặng gánh viện phí.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho hay, tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng viện phí với đối tượng chưa có BHYT. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2016, tỉ lệ người dân tham gia BHYT có thể đạt 78%. Như vậy, vẫn còn hơn 22% dân số chưa tham gia BHYT. Với mức tăng viện phí như vậy, nếu người dân không có BHYT sẽ gặp khó khăn rất lớn khi ốm đau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ