Đến nay, thời hạn lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ đã kết thúc.
Theo đánh giá ban đầu, việc lấy ý kiến đã đạt được những kết quả tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng. Thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án Luật được Quốc hội thông qua.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, đến hết ngày 15/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ.
Những nội dung nhận được nhiều góp ý nhất là chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân.
Có nhiều bộ, ngành dù Nghị quyết số 170/NQ-CP không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình.
Còn Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho biết đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với hơn 1,3 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 8,3 triệu ý kiến góp ý.
Bên cạnh đó, nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học, kiều bào cũng được tổ chức nghiêm túc, bài bản với nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm; chỉ rõ được những nút thắt, những bất cập trong chính sách về đất đai hiện hành, đồng thời đưa ra nhiều đề xuất.
Luật Đất đai là đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Luật Đất đai còn được ví như đạo luật gốc, là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đồng thời đặt ra tư duy, quan điểm, chủ trương, chính sách trong quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng.
Do đó, khi sửa đổi Luật này, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân là hết sức cần thiết, là cơ sở thực tiễn quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội.
Với tầm quan trọng như vậy, ngay từ rất sớm, Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị để công tác lấy ý kiến về dự thảo Luật đạt hiệu quả cao nhất.
Như ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thì đây là phong trào sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng để các tầng lớp nhân dân cả nước hiểu được nhiệm vụ xây dựng các chính sách về đất đai ngày càng tiến bộ, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển, từng bước bảo đảm công bằng, bình đẳng, tiến bộ, không để ai ở lại phía sau, người dân luôn được thụ hưởng thành quả phát triển.
Và đến nay, việc sửa đổi Luật Đất đai đã qua một khâu rất quan trọng là lấy ý kiến nhân dân. Thế nhưng, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc lấy ý kiến rất quan trọng nhưng không phải lấy ý kiến cho có. Những ý kiến đóng góp chất lượng phải được tổng hợp để từ đó làm thay đổi chất lượng của dự án Luật.
Cho nên, vấn đề cốt lõi sau khi lấy ý kiến là tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm. Có như vậy mới xây dựng được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chất lượng.