Không lấy ý kiến 'cho xong'!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tiến trình phát triển của đất nước cũng như với mỗi người dân.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Sửa đổi Luật Đất đai lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tiến trình phát triển của đất nước cũng như với mỗi người dân. Chỉ khi nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, thị trường đất đai thực sự minh bạch, quyền lợi giữa các bên (Nhà nước – người dân – doanh nghiệp) hài hòa mới bảo đảm phát triển kinh tế vững mạnh mà vẫn duy trì được ổn định và công bằng xã hội.

Ở góc độ người dân, họ quan tâm tới việc sửa luật này bởi chính sách đất đai liên quan mật thiết tới đời sống, sinh kế, tài sản của họ. Trong thâm tâm, họ mong muốn những vướng mắc nảy sinh suốt gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 sẽ được giải quyết thấu đáo trong dịp này.

Nhìn rộng hơn, chính sách tốt, quy định hay sẽ phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đất đai trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và người dân sẽ được thụ hưởng thành quả đó.

Không chỉ quan trọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất phức tạp, đụng đến những vấn đề cốt lõi và phức tạp như quan hệ công - tư, vai trò Nhà nước - vai trò thị trường, tài chính đất đai…

Chính vì tầm quan trọng và phức tạp của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đặc biệt là thời điểm lấy ý kiến nhân dân trùng với dịp Tết Nguyên đán có thể gây những xao nhãng nhất định, trách nhiệm của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra càng nặng nề.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung trọng tâm do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến. Hình thức lấy ý kiến sẽ trực tiếp bằng văn bản; ngoài ra sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm…

Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật.

Để đạt được các yêu cầu này, không lấy ý kiến nhân dân kiểu “cho xong”, các chính sách cần lấy ý kiến phải được tóm tắt, phân tích các điểm thay đổi, các điểm có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, cần đăng tải công khai đầy đủ dự thảo Luật và cả các tài liệu có liên quan như đánh giá tác động chính sách, các góp ý khác nhau của doanh nghiệp, người dân, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo, các thảo luận và những vấn đề lớn.

Cùng với đó, để việc tham vấn đạt hiệu quả thực chất, Chính phủ cần tạo cơ hội và tăng cường năng lực tham gia xây dựng chính sách của thiết chế trung gian như các hội, hiệp hội, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, các ý kiến góp ý phải được tập hợp đầy đủ, chính xác cũng như nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.