Tâm đức nhà giáo

GD&TĐ - Sáng 3/5, dư luận bàng hoàng trước thông tin một kẻ lạ mặt đột nhập vào trường đâm trọng thương 5 học sinh tại Trường Tiểu học xã Đồng Lương, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa. Một cô giáo cũng bị thương vì lao vào bảo vệ học trò trước kẻ thủ ác.

Tâm đức nhà giáo

Người ta nói môi trường học đường đã không còn an toàn, nghề giáo là một nghề nguy hiểm. Sự việc xảy ra ở trên đã làm nhận định này đúng theo đúng nghĩa đen.

Gần đây, vấn đề đạo đức nhà giáo được nói đến rất nhiều. Xã hội từng dậy sóng trước một số vụ việc bạo hành học sinh. Cũng có sự việc học sinh đánh nhau trong trường học, thầy cô giáo bị dư luận quy trách nhiệm nặng nề. Những sự việc đơn lẻ nói trên đôi lúc bị khái quát hóa, khiến nhiều người nhìn về đội ngũ nhà giáo một cách u ám, phiến diện, làm chạnh lòng đội ngũ.

Hành động của cô giáo lao vào bảo vệ học sinh ở Thanh Hóa khiến tôi nhớ đến câu chuyện về thầy giáo Phạm Văn Thiện, giáo viên Trường THPT Thọ Xuân 4, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Thầy đã lao xuống dòng nước cứu học sinh khỏi đuối nước; sau đó lại dành trọn phần thưởng từ hành động dũng cảm của mình cho một học sinh khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hay chuyện về các cô giáo Trường Mầm non An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) với câu nói gây xúc động: “Thà cô chết chứ không để trò chết” trong cơn lũ dữ năm 2016. Rồi những thầy giáo Trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái không ngại vất vả, hiểm nguy cõng 2 tấn lương thực vượt núi sau cơn lũ cuồng nộ, để tự “giải” một câu hỏi thôi thúc: “Chỉ còn vài ngày nữa thôi, học sinh đến trường thì sẽ ăn bằng gì?”…

Đó chỉ là một vài trong vô vàn nghĩa cử cao đẹp của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước. Còn rất nhiều những hành động đẹp, việc làm đẹp như thế, các thầy cô hàng ngày âm thầm làm mà không cần đến bất cứ một sự vinh danh nào. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn khẳng định, tự tin về tâm đức của phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Quay trở lại câu chuyện tại Trường Tiểu học xã Đồng Lương. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo hướng bổ sung các hành vi bạo hành, bạo lực học đường để xử lý hành chính và xử lý hình sự ở các hành vi có mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em theo hướng bổ sung những hành vi vi phạm về bảo trợ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên mà Bộ GD&ĐT mới ban hành cũng quy định rõ cả ứng xử của khách đến cơ sở giáo dục.

Động thái kịp thời của cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng. Nhưng trong bối cảnh đang có quá nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực từ bên ngoài vào môi trường học đường như hiện nay, những người làm giáo dục, trong đó có đội ngũ thầy cô đang rất cần sự đồng hành, đồng cảm, sẻ chia để cùng chung tay trách nhiệm; trước hết là những nhìn nhận, đánh giá thực sự khách quan để thầy cô có thêm động lực tiếp tục công việc cao quý nhưng cũng vô cùng khó khăn này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ