(GD&TĐ) - Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 diễn ra vào tháng 10/2011 đã thông qua một nội dung quan trọng: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Một trong 3 lĩnh vực trọng tâm được đề cập (bên cạnh đầu tư công và thị trường tài chính) là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 của Đảng, xem ra, vấn đề tái cơ cấu DNNN lại gặp nhiều khó khăn nhất và là trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.
Ảnh minh họa/internet |
Tất nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, bên cạnh các tồn tại và vướng mắc chủ quan, sự bất ổn kinh tế vĩ mô và sự trì trệ của nền kinh tế kể từ năm 2008 trở lại đây cũng là nguyên nhân khách quan làm chậm quá trình tái cơ cấu. Nhưng nhìn trên tổng thể, khó khăn trong quá trình sắp xếp lại DNNN không phải là vấn đề kỹ thuật quản trị, mà chính là vấn đề nhận thức về vai trò của DNNN trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Xác định lý do tồn tại cuả DNNN chính là xác định chức năng kinh tế của Nhà nước trong cơ chế thị trường; vai trò của thể chế kinh tế và lực lượng DNNN trong việc định hướng thị trường; sự phân vai của Nhà nước và thị trường trong quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế. Trong quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu từ đầu thập 1990 đến nay, rõ ràng nhận thức về vai trò của DNNN tuy có thay đổi, nhưng tư duy xem DNNN như một lực lượng vật chất của Nhà nước để điều tiết thị trường vẫn là vấn đề khó vượt qua nhất.
Thực tế, nếu Nhà nước định hướng thị trường bằng công cụ chính sách và quy hoạch, sử dụng DNNN để bổ sung cho những “khuyết tật” của thị trường thì vấn đề tổ chức, sắp xếp lại DNNN chỉ còn là vấn đề kỹ thuật. Bởi lẽ, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên những cuộc khủng hoảng kinh tế; đặc biệt là ở những quốc gia đang trong giai đoạn phát triển như Viêt Nam.
Nhìn lại diễn biến nền kinh tế trong nước những năm gần đây, với các “cơn sốt” nhà đất, chứng khoán, vàng và phần nào cả lương thực thực phẩm… là minh chứng rõ nét nhất về sự thất bại của thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, làm méo mó thị trường, lãng phí nguồn lực xã hội. Ngày nay, nói đến phát triển bền vững, tức là Nhà nước có chức năng khắc phục các “khuyết tật” của thị trường. Nhà nước đương nhiên không thể bao cấp rủi ro cho DN, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho DN bằng các quyết định hành chính của mình. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Nhưng thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, của nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Mặt khác, Nhà nước lại vẫn thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
Do đó, cùng với công cụ kế hoạch và các chính sách điều tiết vĩ mô, việc thành lập và sử dụng các tổ chức kinh tế Nhà nước chính là sự bổ khuyết thị trường bằng lực lượng vật chất của Nhà nước. Vấn đề cải cách DNNN chính là “tái cấu trúc” lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia bổ khuyết và trên một số ngành và ở thời điểm nhất định để dẫn dắt thị trường cung cấp tốt hơn các loại hàng hoá và dịch vụ công cộng phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá và phát triển bền vững. Đây chính là lý do tồn tại của DNNN và cũng là lý do phải đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc DNNN để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập đất nước hiện nay.
Mai Thiết Lĩnh