Tại sao Trung Quốc vẫn từ chối vắc-xin phòng Covid-19 nhập ngoại?

GD&TĐ - Nhiều tháng trước đây, Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng chấp thuận vắc-xin mRNA của Mỹ nhưng tại sao đến nay quốc gia này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng?

Phòng thí nghiệm vắc-xin mRNA Pfizer/BioNTech.
Phòng thí nghiệm vắc-xin mRNA Pfizer/BioNTech.

Bất chấp biến thể Omicron

Khi biến thể Delta của Coronavirus với tốc độ lây nhiễm cao tấn công Trung Quốc vào mùa hè năm nay, một số chuyên gia y tế công cộng phương Tây hy vọng người dân tại quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể sớm được tăng cường miễn dịch bằng vắc-xin điều chế bằng công nghệ mRNA hiệu quả cao Pfizer/BioNTech nhưng họ nhanh chóng thất vọng.

Fosun Pharma, đối tác Trung Quốc của BioNTech, đã được cấp phép sản xuất và phân phối vắc-xin này ở Trung Quốc. Đến tháng 7/2021, vắc-xin Pfizer/BioNTech đã vượt qua khâu đánh giá chuyên môn và đang chờ cơ quan quản lý cấp phép lưu hành chính thức. Thậm chí Fosun còn có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8/2021.

Tuy nhiên, 5 tháng sau, vẫn mù mịt thông tin từ phía chủ nhà về việc “bao giờ (hoặc không bao giờ) vắc-xin Pfizer/BioNTech sẽ được phê duyệt?”. Tất cả đều im ắng, ngay cả khi biến thể Omicron mới được phát hiện ở Trung Quốc, thách thức lớn cho lập trường “zero-Covid” của nước này.

Ngày 9/12/2021, các cơ quan y tế ở thành phố cảng Thiên Tân đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong số những du khách đến từ nước ngoài. Hiện, các phát hiện ban đầu cho thấy Omicron lây lan nhanh, có nhiều đột biến bất thường, dễ lây lan hơn và làm giảm khả năng bảo vệ của các loại vắc-xin hiện có.

Các nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy, hai liều vắc-xin Pfizer/BioNTech không cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống Omicron, nên phải cần liều thứ ba (Pfizer/BioNTech nhấn mạnh là hai liều vẫn có thể bảo vệ chống bệnh trở nặng dù tỉ lệ thành công thấp hơn).

Trung Quốc không công bố khả năng bảo vệ của vắc-xin nội địa chống Omicron, nhưng một số chuyên gia và truyền thông nhà nước tin rằng nó làm được.

Kém hiệu quả nhưng vẫn sử dụng

Hơn 1,1 tỷ người Trung Quốc (gần 80% dân số) đã được tiêm chủng đầy đủ, tất cả bằng các vắc-xin bất hoạt (inactivated vắc-xin) do hai công ty Sinopharm và Sinovac phát triển. Nhưng hiệu quả của chúng thấp hơn nhiều so với tiêm vắc-xin mRNA. Các nghiên cứu cũng cho thấy khả năng miễn dịch của vắc-xin Trung Quốc cũng suy giảm nhanh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin bất hoạt CoronaVac của Sinovac chỉ hiệu quả 51%, còn vắc-xin của Sinopharm là 79%. Trong khi đó, hiệu quả của vắc-xin mRNA Pfizer/BioNTech và Moderna cao tới 95%.

Một nghiên cứu ở Hồng Kông (Trung Quốc) được công bố trên tạp chí The Lancet vào tháng 6 cho thấy những nhân viên y tế được tiêm đầy đủ vắc-xin mRNA có lượng kháng thể cao gấp khoảng 10 lần so với những người được tiêm vắc-xin bất hoạt của Sinovac.

Sự bảo vệ hạn chế của vắc-xin Trung Quốc là không đủ để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng “zero-Covid” tại Đại lục. Vài tháng qua, chính quyền phải sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn bùng phát dịch ở các địa phương, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nhưng dịch vẫn tiếp tục bùng phát. Tuần trước, hơn 130 ca dương tính được phát hiện ở tỉnh Chiết Giang phía Đông, nơi có các trung tâm sản xuất và xuất khẩu chính của đất nước. Một số địa phương kêu gọi người dân đừng về quê vào dịp Tết nếu không thật sự cần thiết để giảm đà lây lan virus.

Trong nỗ lực cải thiện khả năng miễn dịch đang suy yếu dần trong cộng đồng, Trung Quốc bắt đầu tiêm mũi thứ 3, nhưng vẫn là vắc-xin bất hoạt, bất chấp một số nghiên cứu cho thấy vắc-xin mRNA bổ sung kháng thể tốt hơn vắc-xin bất hoạt khi tiêm nhắc lại.

Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy vắc-xin mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất cung cấp mức tăng kháng thể lớn nhất nếu được tiêm nhắc lại sau mũi tiêm thứ hai từ 10 - 12 tuần. Hai nghiên cứu riêng biệt từ Israel công bố vào tuần trước cho thấy liều tăng cường Pfizer/BioNTech giúp giảm lây nhiễm gấp 10 lần và giảm 90% nguy cơ tử vong do Covid-19.

Tại sao Trung Quốc vẫn từ chối vắc-xin phòng Covid-19 nhập ngoại? ảnh 1

Kiên trì với vắc-xin bất hoạt

Không phải Trung Quốc không biết lợi ích của vắc-xin mRNA. Tháng trước, Zeng Guang, cựu chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) thừa nhận: “Dữ liệu thực tế cho thấy, việc dùng vắc-xin mRNA làm liều tăng cường cho vắc-xin bất hoạt sẽ cho hiệu quả bảo vệ tốt hơn”.

Ông dẫn chứng các nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Lebanon. Tuy nhiên, Zeng vẫn khẳng định: “Việc sử dụng cùng loại vắc-xin đã tiêm trước đó cho mũi thứ 3 sẽ an toàn hơn và dễ được công chúng chấp nhận”.

Trung Quốc từng là nước đi đầu cuộc chạy đua vắc-xin toàn cầu trong gần hết năm ngoái, nhưng phát triển vắc-xin Covid-19 theo phương pháp cũ: Chỉ sử dụng virus bất hoạt để kích thích cơ thể tăng khả năng miễn dịch. Trung Quốc cũng gửi hàng tỷ liều vắc-xin ra nước ngoài, đến các nước nghèo và đang phát triển.

“Khi Trung Quốc phát triển vắc-xin của riêng mình, họ đã sử dụng nó để chứng minh sự tiến bộ công nghệ. Nay, nếu Trung Quốc chuyển sang dùng vắc-xin do nước ngoài sản xuất cho công dân mình, thì chẳng khác gì thừa nhận Trung Quốc không giỏi bằng các nước phương Tây về công nghệ vắc-xin? Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng muốn bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất vắc-xin trong nước” - Huang, thành viên Tổ chức Y tế Thế giới nói.

Trì hoãn để phát triển vắc-xin mRNA nội

Trong khi các cơ quan quản lý Trung Quốc “giam lỏng” việc phê duyệt vắc-xin Pfizer/BioNTech, các công ty trong nước đã được bật đèn xanh để bắt đầu phát triển vắc-xin mRNA nội địa. Tháng trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thông qua hồ sơ thử nghiệm vắc-xin mRNA sản xuất trong nước dùng tiêm nhắc lại cho những người lớn đã được tiêm vắc-xin bất hoạt.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng diễn ra tại Mexico và Indonesia, dù kết quả chưa được công bố. Vắc-xin này có tên ARCoVax, là sản phẩm hợp tác phát triển của Walvax Biotechnology, Suzhou Abogen Biosciences và Học viện Khoa học Quân y.

Theo truyền thông nhà nước, nhà máy sản xuất ở tỉnh Vân Nam có thể sản xuất 200 triệu liều ARCoVax mỗi năm. Huang cho biết, một số công ty Trung Quốc khác, gồm cả tập đoàn dược quốc doanh Sinopharm, cũng đang phát triển vắc-xin mRNA.

Có vẻ Bắc Kinh đang tạo điều kiện cho vắc-xin mRNA nội trước khi bật đèn xanh cho vắc-xin nước ngoài. Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy một số chuyên viên vắc-xin Trung Quốc muốn hợp tác nhiều hơn với các đối tác phương Tây.

Cuối tuần qua, Zhong Nanshan, một chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp, cố vấn y tế cho chính phủ, đã ủng hộ việc tăng cường trao đổi và hợp tác phát triển vắc-xin với các nước khác.

Cuối tuần trước, tại một diễn đàn ở thành phố Quảng Châu, Zhong nói: “Về vắc-xin, chúng ta cần học hỏi những kinh nghiệm ở các nước khác, chẳng hạn như mRNA. Họ đã dành nhiều năm cho công cuộc nghiên cứu và phát triển mRNA và đã cho ra vắc-xin đầu tiên loại này trên thế giới chỉ trong vài tháng. Chúng tôi cần học hỏi công nghệ của họ”.

Theo The Washington Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".