Tại sao người Singapore mê foodcourt?

GD&TĐ - Trái với tâm lý chung của người Việt, chỉ an tâm khi tự nấu ăn ba bữa ở nhà mình, người Singapore lại chuộng đi ăn ở quán ăn bên ngoài. Vậy tại sao người dân đảo quốc Sư tử, kể cả người về hưu rảnh rỗi thời gian, lại không nổi lửa nấu ăn tại nhà, mà lại nghiện đi ăn ở Food court?

Tại sao người Singapore mê foodcourt?

Food court được cho là một hình thức bán đồ ăn nhanh và bình dân được người dân Singapore coi là lựa chọn gần như hàng đầu. Food court không phải là một nhãn hiệu quán ăn, mà đơn giản là một khu tập hợp nhiều gian hàng bán đồ ăn chế biến sẵn, mỗi gian hàng lại có những món ăn khác nhau. Các Food court thường được đặt tại sân bay, nhà ga tàu điện ngầm, bến xe bus, khu trung tâm thương mại… là những nơi thường tập trung đông người.

Ở Việt Nam ta hiện nay Food court đã xuất hiện cũng khá nhiều tại các khu trung tâm thương mại như Times City, Aeon,… nhưng có lẽ chúng chưa được phổ biến và thông dụng như ở Singapore. Ta cũng có thể hiểu một cách đơn thuần là ở nước ta có cơm bình dân, thì ở bên Singapore, Food court không khác gì cơm bình dân bên mình, có điều Food court bên họ có nhiều món ăn và sự lựa chọn hơn mình mà thôi!

Người dân Singapore hàng ngày rất thích ăn ở Food court, thậm chí là họ mê mẩn đồ ăn ở Food court dù là người trẻ hay già. Đơn giản vì đồ ăn rẻ và còn tiết kiệm thời gian đi chợ, thời gian nấu nướng dọn dẹp, và đặc biệt là những người phải đi làm hằng ngày, mà đối với họ việc nấu ăn ở nhà và mang đi là khá tốn thời gian. Thay vì việc loay hoay nấu nướng ở nhà, họ sẽ chọn cách đơn giản và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn, mà cũng không quá tốn kém là ra Food court ăn. Chỉ cần 2$-5$ và thêm 4 đến 5 phút chờ đợi, họ đã có được một suất ăn đầy đủ, no căng bụng mà còn sạch sẽ nữa! Tại Singapore, đất nước được coi là sạch sẽ nhất thế giới, thì thực phẩm rất an toàn cho sức khỏe, người dân có thể đi ăn bên ngoài hàng ngày mà không gặp vấn đề gì nguy hại cho đường ruột.

Food court rất phổ biến với dân Singapore nên chỉ cần đi vài chục mét thôi là ta đã có thể thấy ngay được khu Food court, ngay cả trong những khu trung tâm thương mại lớn hay thậm chí ở sân bay Changi, nơi nào cũng phải có ít nhất một khu riêng cho Food court. Ăn Food court như một thói quen hàng ngày không bỏ được của người dân Singapore. Nếu như dân Việt ta đi làm về, cứ đến đúng giờ là có mặt đầy đủ ở nhà ăn cơm mẹ nấu, thì ngược lại với người Singapore, họ sẽ gặp nhau tại Food court mà ăn cơm người ta nấu.

Dân Việt Nam thường nghĩ ăn ở ngoài rất tốn thời gian và tiền bạc, thậm chí còn không hề vệ sinh, dễ gặp vấn đề với đường tiêu hóa, nên việc ăn cơm ở nhà tự nấu lại là lựa chọn tốt nhất. Thấy dân Singapore ăn quán đều như vắt chanh cả ba mươi ngày trong tháng như vậy, chắc không ít người sẽ thắc mắc rằng: “Ngày nào cũng ăn ngoài quán như thế thì cả tháng tốn đến bao nhiêu tiền? Có chắc là ăn ngoài sẽ tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc hơn không?”.

Về tiền bạc thì tôi không dám chắc là sẽ tiết kiệm được hơn hay không khi tự mua đồ và nấu ăn ở nhà, nhưng về mặt thời gian thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Tội gì họ phải tự lăn vào bếp chuẩn bị rồi nấu nướng mọi thứ, đã vậy khi ăn xong còn phải rửa bát, bằng thời gian đó thậm chí còn ít hơn, họ có thể đi bộ ra Food court gọi cho mình một suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, lại có nhiều lựa chọn trong hàng trăm món từ hải sản, tới gà, bò, lợn, mỳ, cơm, cháo, bún, bánh... Về sự lựa chọn, chắc chắn thú vị và đa dạng hơn so với việc chỉ một bà nội trợ tự nấu, giỏi lắm quanh đi quẩn lại chục món là cùng.

Cũng không thể nói rằng vì lười nên họ mới chọn con đường là ra ăn ngoài hàng quán, vì người Singapore hầu hết họ rất thông minh và làm việc theo những cách hiệu quả nhất nên ăn ngoài, tiết kiệm được thời gian để họ có thể tập trung vào những công việc quan trọng hơn của họ. Cực nhanh chóng và đơn giản, đúng không nhỉ?

Hầu hết Food court ở Singapore, đâu đâu họ cũng đều phục vụ những món ăn dân gian và truyền thống nước họ. Cũng giống như Việt Nam là cơm đi với những món ăn kèm và cùng với bát canh nóng hổi, nhưng để nói những món phổ biến nhất mà ai hầu như cũng ăn đó là những món cơm ăn với gà luộc, vịt nướng, thịt nướng. Đó là ba món ăn có mặt nhiều nhất ở khu Food court. Ngoài ra không chỉ phục vụ những món cơm, Food court còn phục vụ cả những món ăn của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia (người dân các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia nhập cư sang Singapore sinh sống rất nhiều nên đó là lí do Food court lại phục vụ món ăn của ba nước đó).

Tại các khu Food court, tôi thấy có một điều rất hay là khi ăn xong, ta sẽ tự dọn chỗ ăn rồi khi ăn xong, phải mang chiếc khay đồ ăn của mình ra nơi quy định, và khi cất khay đồ ăn, họ chia thành hai ngăn để đựng. Một ngăn được ghi “Halal” và một ngăn ghi “No Halal”, tôi nhớ lúc đó tôi dọn và để khay ở ngăn “No Halal”, người phục vụ thấy vậy liền bỏ khay của tôi sang ngăn “Halal” và họ nói với tôi điều gì đó về việc xếp khay vào đúng ngăn nhưng tôi không thể hiểu do họ nói quá nhanh và dường như họ nói tiếng Trung chứ không phải tiếng Anh. Tìm hiểu ra, tôi mới biết “Halal” và “No Halal” là để phân biệt những khẩu phần ăn có thịt bò hay là không có thịt bò, vì dân Singapore có khá nhiều người Hồi Giáo, không ăn thịt bò.

Người Singapore không chỉ đến Food court để ăn mà một phần cũng để họ được giải trí. Vì Singapore không phải là đất nước có nhiều cảnh quan thiên nhiên sống động như nước ta, hầu hết là những khu nhà chọc trời, nhà chung cư nên khi đến Food court họ còn được giải trí một chút, từ cách bài trí món ăn, cách chơi ánh sáng tôn vinh món ăn và có cả âm thanh, mùi vị gợi cảm giác thèm ăn, được trò chuyện gặp gỡ những người xung quanh, đổi món ăn mới lạ, tìm ý tưởng mới khi ăn trong những không gian khác nhau...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh NTCC

Hiểu đúng về giai đoạn tiền Tiểu học

GD&TĐ - Nhiều gia đình tìm các lớp học tiền tiểu học nhằm học trước kiến thức mà quên việc quan trọng là trang bị tâm thế, kỹ năng để bắt nhịp với cấp học mới.
Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.