Tái chế đồ ăn thừa
Trường Tiểu học Chongzheng là trường đầu tiên tiếp nhận chiếc máy - nằm trong Dự án Tiết kiệm thực phẩm trong nhà trường do Cục Môi trường quốc gia (NEA) thực hiện.
Hiệu trưởng Andey Wong cho biết: “Chúng tôi muốn trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc tái chế đồ ăn thừa vốn bị bỏ đi - và trẻ tận mắt nhìn thấy đồ ăn thừa có thể trở nên hữu ích như phân bón”.
Khoảng 500 học sinh tiểu học và THCS thuộc hơn 30 trường cũng được giáo dục trực quan tại dây chuyền trải nghiệm tiết kiệm thực phẩm được lắp đặt tại Trường Chongzheng. Ví dụ tại một trong 5 công đoạn dây chuyền hình thành thực phẩm, học sinh phải thu hoạch gạo nhân tạo để tìm câu trả lời cho những câu hỏi về khoảng thời gian cần thiết trồng các loại cây trồng khác nhau.
Dây chuyền này cũng bao gồm tham quan chiếc máy tái chế thức ăn thừa thành phân bón đặt phía sau căng tin, tại đó học sinh tìm hiểu cơ chế hoạt động của máy. Sau khi máy cho ra sản phẩm, học sinh được nhận một cốc phân bón cùng với đất để trồng cây.
Lượng phân bón mà trường này tạo ra hàng ngày sẽ được chuyển tới những người trồng rau và hoa quả tại Tampines.
Thay đổi nhận thức qua trải nghiệm
Sau trải nghiệm tại Trường Tiểu học Chongzheng, em Daniel Ang, 11 tuổi, cho biết sẽ xin khẩu phần ăn ít hơn khi không cảm thấy đói. “Cháu cũng sẽ dạy nói với bố mẹ và bạn bè không mua hoặc nấu quá nhiều đồ ăn” - Daniel Ang nói.
10 trường học đầu tiên được chọn cấp máy tái chế đồ ăn thừa dựa trên các yếu tố như mức độ tham gia vào các chương trình môi trường và cũng được yêu cầu tổ chức các hoạt động giảm lãng phí thực phẩm - như tổ chức các buổi thảo luận cho học sinh và cán bộ giáo viên.
Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước Masagos Zulkifli cho biết NEA sẽ đánh giá hiệu quả của dự án dựa trên mức độ giảm đồ ăn thừa. “Nếu thành công, tôi hy vọng thêm nhiều trường sẽ được lắp máy tái chế kiểu này” - Bộ trưởng nói. Một trường có khoảng 1.300 học sinh và giáo viên sẽ tạo ra khoảng 30 - 55 kg đồ ăn thừa/ngày.
Singapore là quốc gia thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên. Không có nước ngọt và đất canh tác lại hẹp, người Singapore chủ yếu trồng rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước.
Trong hoàn cảnh đó Singapore luôn ưu tiên tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là lương thực thực phẩm. Mỗi năm, tại Singapore có gần 800.000 tấn thực phẩm bị vứt đi. Nếu tính theo đầu người, mỗi người ở Singapore đã bỏ đi khoảng 150kg thực phẩm/năm.
Để giúp tiết kiệm thực phẩm, Food Bank Singapore đã ra đời vào năm 2012 để đứng ra thu thập thực phẩm và chuyển chúng tới tay những người nghèo. Lượng thực phẩm thu thập tăng nhanh. Năm 2012 là khoảng 2 tấn, năm 2013 khoảng 150 tấn và năm 2014 đã đạt khoảng 500 tấn. Thực phẩm thu nhận có thể là gạo, bánh kẹo, gia vị, dầu ăn...