Tại sao 'âm' vẫn làm?

GD&TĐ - Khi giá dầu thô luôn ở mức âm vào mấy năm trước, không hiểu tại sao nhiều quốc gia, công ty vẫn không ngừng khai thác.

Trẻ cần có môi trường để nuôi dưỡng đam mê.
Trẻ cần có môi trường để nuôi dưỡng đam mê.

Từ câu chuyện này dẫn đến những câu hỏi mà vợ chồng chúng tôi thống nhất đặt ra:

1. Nếu không có lợi nhuận thì có làm không?

2. Nếu biết chắc có thiệt hại thì có làm tiếp hay không?

Mỗi người, ở vị trí của mình, đều có thể có câu trả lời riêng, giống như cuộc sống vậy, chẳng ai làm giống nhau, ăn giống nhau, nói giống nhau… mặc dù có vẻ ai cũng xoay quanh: Thở, ăn, làm, và thưởng thức cuộc sống…

Phương thức tồn tại

Những vật phẩm, hàng hóa được tạo ra không chỉ mang hình hài, giá trị tức thời lúc đó. Có câu chuyện rằng, một người đam mê nặn những chiếc bình sành... Ai cũng nói rằng nó rẻ, không bao giờ có giá bằng những chiếc bình gốm hoa văn cầu kì kia. Cho đến mấy chục năm sau, chỉ vì tiếng “keng keng” rất độc đáo của chiếc bình sành này, mà nó đã được bán với giá cả gia sản. Lúc ấy, có người ngậm ngùi bảo: Biết thế mình cũng làm bình sành. Biết đâu rằng, trong khu vườn của người thợ, có hàng nghìn chiếc bình nằm chỏng chơ, nay mới bán được dăm ba cái được giá. Người thợ ấy nói: Nếu tôi không ngừng rèn luyện tay nghề, làm ra cả chục nghìn cái bình, thì cũng chẳng bao giờ bán được 3 cái bình đó đâu.

Nếu ngừng sản xuất, con người sẽ làm gì? Tôi nói với chồng mình: Em phải làm, chúng ta vẫn phải làm. Vì nếu ngừng lại, chúng ta sẽ làm gì? Sẽ nghỉ ngơi, và buồn rầu. Sẽ thả lỏng mà ngưng có tinh hoa. Chúng ta làm, chúng ta sản xuất vì đó là nhu cầu của chúng ta, “làm việc chính là một phương thức tồn tại”. Nhưng chắc rằng bối cảnh sẽ bảo cho chúng ta biết chúng ta phải điều chỉnh những gì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì sao “âm” thì buông tay?

Tôi gặp biết bao người. Mở đầu, bao giờ họ cũng nói đến đam mê, tâm huyết. Có lẽ đó là công thức thuyết phục được ứng dụng cả thập kỉ nay, khi chuyên gia tâm lí tầm cỡ thế giới công bố: “Đam mê mới cho bạn thành công”. Thế nhưng dần dần, tôi ngại nghe những bày tỏ “đam mê” ấy. Có lần khi viết một bài, tôi nói đến “đam mê phải đi cùng với trách nhiệm”. Nay tôi thấy nhiều người “buông tay”. Không nên truy lùng lỗi lầm, nguyên nhân… Vì tôi hiểu, “nó đã xảy ra” thì hãy học cách “chấp nhận” và tin rằng “nó có lí”. Nhưng thực tình, tôi vẫn luôn luôn tự vấn, tại sao không chuẩn bị “kĩ hơn”. Đọc những con số rùng mình khi hàng chục nghìn nhà giáo không có thu nhập khi “nghỉ vì dịch” năm 2021 tôi mắc nghẹn trong lòng. Rồi hết dịch, vẫn có rất nhiều đồng nghiệp “bỏ nghề”. Sự chuẩn bị nào cho những cú buông tay? Dịch đến từ thiên nhiên sẽ qua nhanh thôi, nhưng dịch đến từ “con người”, từ thực tiễn xã hội vẫn còn đó, và có tác động âm ỉ.

Mỗi người đều có những lựa chọn. Nhưng nếu đã sở hữu một khu vườn, bạn sẽ biết, ngay cả trái táo chín rụng (dù không bán được) cũng làm cho đất đai của bạn màu mỡ, và đến một ngày những hạt táo vô tư sẽ thành những mầm cây xanh. Tôi muốn viết tâm sự này, để chúng ta gieo cho nhau những hy vọng, về nhiều thành quả đẹp của cuộc đời có thể đến từ những giá trị “âm” mà chúng ta chưa nhìn thấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ