Tại sao không?

GD&TĐ - Liên quan đến việc 42/43 học sinh trong cùng một lớp đều đạt học sinh giỏi ở Vũng Tàu khiến dư luận bàn tán xôn xao suốt những ngày qua, nhiều người cho rằng như vậy là gian dối, là bệnh thành tích, không thể như thế được! Thậm chí vấn đề này đã lên đến diễn đàn Quốc hội, trong đó nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi, không đồng tình với kết quả học tập trên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi lại nghĩ, việc trong một lớp có nhiều học sinh giỏi, thậm chí cả lớp đều giỏi là điều hoàn toàn bình thường. Bởi lẽ, thứ nhất, nhiều trường tổ chức lớp học theo dạng lớp chọn, chất lượng cao. Những em có thành tích học tập tốt ở các lớp dưới hoặc qua tuyển chọn có điểm số cao mới được vào học những lớp này.

Theo đó, học sinh nào càng giỏi, điểm số càng cao thì được học lớp chọn cao dần. Đặc biệt, hàng năm nhà trường xếp lại lớp, ai có điểm số thấp thì chuyển xuống lớp chọn dưới và ngược lại, học sinh lớp dưới có thành tích tốt hơn thì đôn được lên lớp chọn trên.

Với cách sàng lọc như vậy nên những lớp này hầu hết các em là học sinh giỏi. Thế nên, tất cả học sinh trong cùng một lớp đều được xếp loại giỏi không có gì bất thường.

Thứ hai, hiện nay nhiều trường tổ chức thi chung các kỳ thi giữa kỳ, học kỳ theo hướng xáo trộn các học sinh của nhiều khối với nhau. Học sinh các khối 6, 7, 8 và khối 9 sẽ thi chung trong cùng một phòng, mỗi em có mỗi đề thi riêng. Như vậy, đã hạn chế, loại trừ tối đa việc nhìn bài của nhau, làm bài chung, quay cóp cũng rất khó vì thường có camera giám sát.

Thứ ba, theo quy định, nhiều môn năng khiếu như thể dục, mỹ thuật, âm nhạc... không chấm điểm. Các môn này chỉ chấm đạt hay không đạt và không cộng điểm trung bình vào học lực. Vì thế, học sinh chỉ cần học tốt các môn văn hóa, khi cộng điểm trung bình sẽ rất cao. Điều này khác với trước đây, nhiều học sinh tuy học lực rất giỏi nhưng nếu các môn năng khiếu như thể dục, âm nhạc… điểm thấp sẽ kéo điểm trung bình chung các môn xuống nên rất khó đạt học sinh giỏi.

Thứ tư, học sinh thường dành thời gian học nhiều hơn trước đây, ngoài học ở trường còn học thêm, phụ đạo… Cùng với đó, tài liệu học tập, tham khảo đa dạng, phong phú, nhiều bài tập khó không giải được các em có thể tham khảo trên mạng, bạn bè qua nhiều kênh khác nhau. Vì vậy, việc học ở bậc phổ thông cơ sở khá dễ dàng, không rơi vào “bế tắc” nếu gặp bài tập khó thời xưa.

Ngoài ra, nhiều em đã ý thức được việc học tập, xác định được mục tiêu, định hướng được tương lai và có tính ganh đua trong học tập khá cao, nhất là các em có năng lực, ham học. Đây cũng là điều khác ngày xưa, khi mà đa số học sinh đến lớp học chỉ là… được lên lớp, chứ ít ganh đua, khám phá như hiện nay.

Do đó, chúng ta không nên vì một số tiêu cực, bệnh thành tích trong giáo dục ở một số địa phương, nơi này, nơi kia mà quá khắt khe, hoài nghi vô cớ, thiếu cơ sở đối với kết quả học tập của các em. Để đạt điểm giỏi đối với nhiều em không phải là quá khó, không phải là không thể làm được. Vì thế, cả lớp đều là học sinh giỏi thì tại sao lại không xảy ra?

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ