Tài liệu giáo dục địa phương hướng tới sinh động và gắn với thực tiễn

GD&TĐ - Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng chương trình, kế hoạch để viết, xuất bản Tài liệu Giáo dục địa phương Thanh Hóa, lớp 1, 2 và lớp 6, nhằm đáp ứng Chương trình GDPT năm 2018. Hiện, Sở GD&ĐT tỉnh này đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt, để tiến hành in ấn, xuất bản và đưa về các trường học.

Cô giáo Mai Thị Tuyết và học trò của mình ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa).
Cô giáo Mai Thị Tuyết và học trò của mình ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa).

Chú trọng nhiều chủ đề của địa phương

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT về Chương trình giáo dục phổ thông, ngày 17/8/2021 Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn hướng dẫn dạy học chương trình địa phương THCS năm học 2021-2022.

Theo đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường THCS trong tỉnh thực hiện nội dung giáo dục địa phương lớp 6 như sau: Nội dung giáo dục địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương.

Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, Hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên. Kế hoạch dạy học nội dung giáo dục địa phương được xây dựng theo từng chủ đề, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của từng nhà trường.

Kế hoạch dạy học của các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Học sinh Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) được tham quan mô hình Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới.

Học sinh Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) được tham quan mô hình Thành nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới.

Tổ chức triển khai nội dung giáo dục địa phương lớp 6 tỉnh Thanh Hóa theo Chương trình giáo dục địa phương lớp 6 gồm 8 chủ đề, mỗi chủ đề dạy 4 tiết. Trong đó, bao gồm: Chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản trò diễn Pôồn Pôông và lễ Kin Chiêng Boọc Mạy; Dưa lê, bánh đúc xứ Thanh; Trống đồng Đông Sơn; Địa hình - Khoáng sản và các giá trị kinh tế; Làng nghề chế biến nông - lâm sản ở Thanh Hóa; Thanh Hóa thời tiền sử, sơ sử và Bắc Thuộc; Cộng đồng các dân tộc ở Thanh Hóa và chủ đề Bảo vệ môi trường nước ở Thanh Hóa.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường thực hiện 35 tiết/năm. Trong đó, học kỳ 1 là 18 tiết/18 tuần; học kì 2 là 17 tiết/17 tuần. Chương trình tổ chức theo hướng mở, tùy theo tình hình thực tiễn của các địa phương, các nhà trường xây dựng phát triển chương trình nội dung giáo dục địa phương, giao cho các tổ chuyên môn, các giáo viên có trình độ đào tạo phù hợp tổ chức giảng dạy.

Trong thời gian chờ cuốn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thanh Hóa lớp 6 chính thức phát hành, Sở GD&ĐT gửi Cấu trúc và Đại cương của từng chủ đề, để các phòng GD&ĐT chỉ đạo, các nhà trường vận dụng linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

"Tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT mới, cứ đến khối lớp nào thực hiện, sẽ biên soạn đối với khối lớp đó. Năm nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ thực hiện in ấn, phát hành tài loại tài liệu này theo các khối lớp 1, 2 và lớp 6. Tuy nhiên, đối với khối lớp 3, lớp 7 thì sẽ chậm hơn một thời gian", ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Các môn học phù hợp thực tiễn

Thầy Trịnh Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, năm học trước, nhà trường đã chú trọng công tác áp dụng tài liệu GD địa phương để giảng dạy cho học sinh. Năm nay, nhà trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch để khi bước vào năm học mới, sẽ áp dụng vào dạy cho HS khối lớp 6.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chương trình dạy theo nhiều chủ đề trong tài liệu GD địa phương. Với thời lượng chương trình 35 tiết/năm học, giáo viên sẽ thực hiện dạy từng chủ đề theo kế hoạch.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa) được tham gia trải nghiệm và thực hành làm bánh lá răng bừa.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa) được tham gia trải nghiệm và thực hành làm bánh lá răng bừa.

“Đối với chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ (Di sản văn hóa thế giới), thì GV phải áp dụng tài liệu GD địa phương để dạy cho HS biết được quá trình xây dựng và đặc sắc trong kiến trúc, giá trị văn hóa, nghệ thuật của di sản. Giúp HS hiểu được trách nhiệm quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ.

Từ đó, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người, đặc biệt là lứa tuổi HS về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản Thành nhà Hồ. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc”, thầy Hưng chia sẻ.

Bên cạnh về chủ đề lịch sử, văn hóa, nhà trường cũng xây dựng chủ đề về những sản vật đặc sản của quê hương xứ Thanh, để giảng dạy cho HS. Trong đó, một số sản vật của Thanh Hóa, như: Chè Lam phủ Quảng; Bánh lá răng bừa; Nước mắm Ba Làng; Bánh gai Tứ Trụ; Gỏi nhệch Nga Sơn; Dừa Hoằng Hóa; Mía đỏ Kim Tân; Mía sọc Hà Trung… cũng được đưa vào tài liệu GD địa phương.

“Theo kế hoạch giảng dạy tài liệu GD địa phương, thì ngoài các loại sản vật đặc sản, nhà trường còn xây dựng bài giảng về ẩm thực xứ Thanh. Bởi lẽ, ẩm thực Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, nhằm giúp HS biết giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của quê hương mình”, thầy Hưng tâm sự.

Cô giáo Mai Thị Tuyết – Tổ Khoa học xã hội của trường, cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và nhà trường, cô Tuyết đã xây dựng kế hoạch của Chương trình dạy tài liệu GDĐP trong năm học mới này, để dạy cho HS khối lớp 6. Ngoài các chủ đề khác liên quan đến địa phương, thì chủ đề về trống đồng Đông Sơn cũng được xây dựng, để giảng dạy cho HS khối lớp 6.

Những tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, cũng được Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa) đưa vào giảng dạy và cho học sinh trải nghiệm.

Những tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, cũng được Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa (Thanh Hóa) đưa vào giảng dạy và cho học sinh trải nghiệm.

Theo đó, cô Tuyết đã xây dựng chủ đề này, để giảng dạy cho HS biết về trống đồng Đông Sơn là tên một loại trống đồng tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100) của người Việt cổ.

Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp phát triển. Những chiếc trống hình dáng cân đối, hài hoà đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật, đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật đời sống sinh hoạt của con người thời kỳ dựng nước...

“Hình ảnh trống đồng không chỉ là bảo vật quý báu của văn hoá Việt Nam, mà còn là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi được hình thành từ thời Hùng Vương dựng nước... Ở thời kỳ Trống đồng Đông Sơn, các nghề đánh cá, săn bắn, chăn nuôi gia súc và sản xuất thủ công cũng phát triển... Do đó, HS được học tài liệu GDĐP là điều rất bổ ích cho các em”, cô Tuyết chia sẻ.

“Về cơ bản, học sinh được học môn này, các em rất hào hứng. Các em được tham quan Thành nhà Hồ, tham gia làm bánh, tham quan làng nghề trống đồng. Tuy nhiên, do không có điều kiện, nên chúng tôi chỉ có thể giới thiệu cho các em xem hình ảnh qua tivi, hoặc các hình ảnh trên mạng thôi.

Tuy nhiên, hiện nay để giảng dạy chương trình Tài liệu GD địa phương, có cái khó cho giáo viên, đó là nguồn tài liệu chưa có nhiều. Giáo viên rất mong muốn có nguồn tài liệu đầy đủ để giảng dạy cho học sinh”, cô Mai Thị Tuyết – Trường PT Dân tộc Nội trú THCS Quan Hóa, Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ