Độc đáo không gian văn hóa Thái ở ngôi trường vùng cao Thanh Hóa

GD&TĐ - Hình ảnh bếp củi, khung cửi dệt vải,… cho đến những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được tái hiện ngay trong khu nhà sàn của thầy, trò Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thường Xuân, Thanh Hóa).

Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thanh Hóa).
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thanh Hóa).

Nhắc nhớ về đời sống văn hóa đồng bào

Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thường Xuân, Thanh Hóa) là nơi học tập của con em người đồng bào các tộc người Thái, Mường. Trong đó, học sinh người dân tộc Thái chiếm tới 97%.

Xuất phát từ mong muốn bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng công trình nhà sàn nằm ngay trong khu vực sân trường.

Theo cô Cầm Thị Hoàn – Hiệu trưởng Nhà trường, công trình nhà sàn này vốn dĩ được phụ huynh trao tặng lại trong quá trình di dân những năm 2000. Sau khi di dời về, nhà trường đã tu sửa lại và trưng bày các hiện vật quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái, như: Khung cửi, luống, cồng chiêng, bếp củi, nơm bắt cá, gàu tát nước,…

Điều đặc biệt, khu nhà sàn được bài trí vô cùng ấm cúng gắn với môi trường học tập. Cụ thể, ở vị trí trung tâm của khu nhà sàn bày trí trang trọng với biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía hai bên là hình ảnh các lãnh đạo nhà trường trải qua các thời kỳ, kể từ ngày thành lập đến nay.

Khu nhà sàn còn gọi là nhà truyền thống – nơi trưng bày các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái.

Khu nhà sàn còn gọi là nhà truyền thống – nơi trưng bày các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái.

Trong khi đó, ở các gian còn lại, nhà trường treo cờ truyền thống và các hiện vật quen thuộc của người Thái như khung cửi, cồng chiêng. Ngoài ra, trong khu nhà sàn còn có bếp nấu và các dụng cụ sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của đồng bào người Thái.

“Trong cuộc sống hiện đại với sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa các dân tộc, vùng miền khiến nhiều học sinh dễ dàng bị quên đi những bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì vậy, nhà trường dựng lên công trình nhà sàn, với mong muốn nhắc nhớ cho các em về văn hóa dân tộc.

Khi tới nhà sàn, các em được cảm nhận một cách chân thực về những hiện vật, dụng cụ của đồng bào mình thay vì hình ảnh chụp chiếu trên các phương tiện truyền thông. Đối với công trình nhà sàn, nhà trường cũng sắp xếp theo đúng như nếp sinh hoạt của đồng bào người Thái, nhưng cũng gắn với môi trường học tập, với hình ảnh quen thuộc về nhà trường,…”, cô Hoàn chia sẻ.

Độc đáo không gian văn hóa Thái ở ngôi trường vùng cao Thanh Hóa ảnh 2

Mô hình guồng nước của đồng bào người dân tộc Thái.

Do công trình đã sử dụng quá lâu, nên có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là phần mái che. Vì vậy, năm 2021 nhà trường đã tu sửa và xây mới phần mái để đảm bảo về độ an toàn cho thầy, trò mỗi khi tham quan khu nhà sàn.

Theo cô Hoàn, thời gian tới nhà trường dự định sẽ mời các nghệ nhân về để hướng dẫn cho học sinh ở đây dệt vải, thêu thùa cũng như cách làm ra sản phẩm từ chính đôi bàn tay mình.

Trao truyền chữ viết, văn hóa Thái

Ngoài xây dựng công trình nhà sàn, để nhắc nhớ học trò về bản sắc văn hóa dân tộc, Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân còn duy trì các hoạt động văn hóa – văn nghệ trong các dịp lễ lớn như 20/11, 26/3 hay kỷ niệm ngày thành lập trường,…

Các hoạt động văn hóa – văn nghệ được tổ chức với quy mô toàn trường. Thầy, cô và học sinh cùng nhau tái hiện lại những điệu múa sinh động, mang đậm bản sắc của văn hóa Thái, như: Khua luống, các điệu cồng chiêng, múa sạp hay trình diễn trang phục dân tộc.

Khi tổ chức các hoạt động này, toàn bộ sân khấu của nhà trường chìm đắm trong âm thanh độc đáo phát ra từ những nhịp chày khua luống – một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Thái.

Cô Ngân Thị Tiên (ngồi giữa hàng đầu tiên từ dưới lên) cùng giáo viên nhà trường.

Cô Ngân Thị Tiên (ngồi giữa hàng đầu tiên từ dưới lên) cùng giáo viên nhà trường.

Đặc biệt, từ năm 2018, Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân chính thức giảng dạy chữ Thái cho học sinh như một hoạt động ngoại khóa, được duy trì 2 buổi mỗi tuần. Giáo viên đảm trách vai trò này là cô giáo Ngân Thị Tiên (giảng dạy môn Toán của nhà trường). Cô Tiên cũng là giáo viên đầu tiên của nhà trường được cấp chứng chỉ dạy chữ Thái năm 2018.

Chia sẻ về công việc mình đang đảm trách, cô Tiên hồ hởi: “Đây hoàn toàn là đam mê, bởi tôi cũng là con em người đồng bào dân tộc Thái, mong muốn được bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Tuy nhiên, theo cô Tiên cũng như những ngôn ngữ khác, chữ Thái rất đặc thù, đòi hỏi người học phải thực sự nghiêm túc. Ngoài nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm và thanh điệu, người học cần nắm vững vị trí của các nguyên âm, phân biệt được các tổ cao, tổ thấp và cách ghép âm,…

“Để học trò dễ dàng hơn khi tiếp cận với chữ viết, tôi thường giảng dạy thông qua các câu ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán của người Thái. Vì vậy, các em vô cùng hứng thú, mong muốn được giữ gìn chữ viết của ông cha”, cô Tiên chia sẻ.

Học sinh được học chữ Thái tại Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thanh Hóa).

Học sinh được học chữ Thái tại Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân (Thanh Hóa).

Bằng niềm đam mê cùng với lợi thế là con em người đồng bào dân tộc Thái, cô Ngân Thị Tiên đã trao truyền chữ viết cho hàng trăm lứa học sinh. Nhiều thế hệ học trò đến nay vẫn mong muốn được tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa dân tộc.

Hiện nay, ngoài giảng dạy chữ Thái tại trường, cô Ngân Thị Tiên còn phối kết hợp với Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) bồi dưỡng chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Là nữ sinh dân tộc Thái, em Hoàng Thị Hương Giang (lớp 7A, Trường Phổ thông DTNT - THCS Thường Xuân), chia sẻ: “Từng tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ do nhà trường tổ chức, bản thân em thấy rất ý nghĩa và thiết thực. Không chỉ giúp chúng em nhận thấy được tầm quan trọng của bản sắc dân tộc, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn, không để văn hóa dân tộc bị mai một đi.

Bên cạnh đó, mô hình nhà sàn cũng được thầy, cô trưng bày nhiều hiện vật, dụng cụ rất sinh động giúp chúng em hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ