Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

GD&TĐ - Chương trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Theo dự báo, thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm. Ảnh minh họa
Theo dự báo, thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm. Ảnh minh họa

LTS: Sau 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. 

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục. Chính vì vậy, chương trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng bàn luận, đánh giá và đưa ra các tham luận, giải pháp liên quan đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới đây.

Trong bối cảnh đại dịch, các trung tâm kinh tế, đô thị lớn bị đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới

Bối cảnh hiện nay tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn. Nó gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới. Việc tổng kết, đánh giá và nhìn lại 5 năm qua (giai đoạn 2016 - 2020) sẽ góp phần nhìn nhận để việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tới chuyển biến tích cực và thực chất hơn.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Đó là 17/22 mục tiêu đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.

Việt Nam đã có 4 năm liên tiếp 2016 - 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Việc thực hiện năm sau tốt hơn năm trước đã tạo đà để Việt Nam đứng vững trong sóng gió. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng vẫn đạt 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế. Đó là, cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra.

Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Cùng với đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước còn thấp.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn hạn chế. Thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững. Việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, nợ công còn tiềm ẩn rủi ro. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công vẫn còn tồn tại...; Khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa cao.

Bước tiếp nối và cụ thể hóa

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần phải được thực hiện với các mục tiêu cụ thể và các giải pháp quyết liệt hơn. Điều này nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Như vậy, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 không phải là một kế hoạch mới. Đây là bước tiếp nối và cụ thể hóa, gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn tới.

Bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh Covid-19 yêu cầu Việt Nam phải thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Bởi lẽ, nếu trì hoãn hoặc chậm tái cơ cấu nền kinh tế thì Việt Nam sẽ rất khó để thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.

Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, so với kế hoạch giai đoạn trước, kế hoạch lần này có nhiều điểm mới và đột phá hơn. Kế hoạch được bổ sung điểm mới để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Trong đó nổi bật nhất là kinh tế số, kinh tế đô thị và phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 cũng xác định thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là đột phá. Do đó giải pháp về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đề xuất. Điều này nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành, không gian kinh tế và phát triển lực lượng doanh nghiệp.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, nhu cầu lao động có kĩ năng sẽ tăng cao trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp thì giảm. Thị trường lao động việc làm sẽ phân hóa theo hai nhóm đó là kỹ năng thấp lương thấp và kỹ năng cao lương cao.

Quá trình này không chỉ đe dọa đến việc làm của lao động trình độ thấp, mà những lao động kĩ năng bậc trung cũng bị ảnh hưởng. Nhất là khi họ không được trang bị các kiến thức mới, sáng tạo của nền kinh tế số.

Rõ ràng, trong bối cảnh đó, thị trường lao động trong nước sẽ cần những giải pháp toàn diện từ tất cả các bên có liên quan. Mục đích để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, thông qua phát triển kỹ năng và tăng cường trí thức cho người lao động trong tình hình mới.

Ông Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn chính là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%. Chỉ số kĩ năng có tăng những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức rất thấp, có khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.

“Các kịch bản phục hồi, các số liệu dự báo có thể khác nhau, nhưng chắc chắn khi kết nối lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì nhu cầu lao động có kĩ năng sẽ tăng cao. Cùng với đó, nhu cầu lao động có kỹ năng nghề thấp sẽ giảm.

Từ đó, nguy cơ thiếu nguồn cung lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động sẽ hiện hữu, nếu chúng ta chậm tiến độ bao phủ vắc-xin, cũng như chưa mở cửa lại các cơ sở giáo dục đào tạo”, TS Trương Anh Dũng dự báo.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ