Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 3 tháng 2 cho biết, Hoa Kỳ muốn Ukraine đưa ra đảm bảo về việc cung cấp kim loại đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ tài chính và quân sự từ Washington.
Ngày 4 tháng 2, tờ Financial Times của Anh dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Kiev nói rằng, Ukraine đồng ý chuyển giao kim loại đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ, còn Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng trao cho Hoa Kỳ cơ hội đầu tư vào khai thác và cùng phát triển ngành khoáng sản ở nước này.
Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent hôm 18/02 bày tỏ quan điểm rằng, chính quyền Kiev sẽ đồng ý ký thỏa thuận cho Washington tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, để đổi lấy việc dòng viện trợ quân sự của Mỹ không bị gián đoạn.
“Tôi nghĩ ông ấy (Volodymyr Zelensky) sẽ làm điều đó” - Bessent nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ Fox News.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực lâu dài và mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ông một lần nữa nhấn mạnh rằng, việc ký kết thỏa thuận sẽ góp phần tăng cường an ninh cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số chính trị gia và học giả của cả Nga lẫn phương Tây lo ngại rằng, thỏa thuận kinh tế này có thể sẽ phá hoại một thỏa thuận chính trị quan trọng, đó là thỏa thuận ngừng bắn Nga-Ukraine, có thể đạt được trong thời gian tới.
Người phát ngôn Điện Kremlin là ông Dmitry Peskov nhận định kế hoạch của Trump về kim loại đất hiếm của Ukraine thực chất là đề nghị Kiev “mua” sự giúp đỡ từ Mỹ, chứ không phải viện trợ miễn phí.
Ông cũng cho rằng, Mỹ nên ngừng viện trợ cho Ukraine để góp phần chấm dứt xung đột.
Còn bà Sahra Wagenknecht, Đồng Chủ tịch đảng “Liên minh Sahra Wagenknecht - Vì lý trí và công bằng” của Đức, đăng tải ở trang cá nhân trên mạng xã hội X rằng, việc Kiev đảm bảo cung cấp kim loại đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ sẽ là thảm họa đối với châu Âu, vì Washington đang thúc đẩy một cuộc xung đột ủy nhiệm.
Bà Wagenknecht viết: “Đây là hòa bình trong 24 giờ ư? Trump sẽ tiếp tục cuộc chiến ủy nhiệm, nếu Ukraine đổi lại bằng cách cung cấp kim loại đất hiếm và nguyên liệu thô. Một thỏa thuận rất tuyệt vời cho Mỹ, nhưng là thảm họa cho người dân khắp châu Âu!”.
Giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả cuộc đàm phán mang lại hòa bình cho Ukraine mà cả thế giới đang chờ mong. Nga sẽ coi đó là cử chỉ “không thiện ý” của Mỹ, là yếu tố thể hiện sự “không thành ý” của Washington.
Do đó, rất có thể tác nhân làm đổ vỡ hy vọng về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine lại đến từ một nhân tố bí ẩn là “Đất hiếm”.