Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski trong một cuộc phỏng vấn với TVP vào ngày 16 tháng 2 đã tuyên bố rằng, các chính trị gia châu Âu cần phải cẩn thận với các thuật ngữ và lời kêu gọi về việc thành lập một quân đội chung của châu Âu, vì mọi người có thể hiểu chúng theo những cách khác nhau.
Đây là bình luận mà ông đưa ra về những lời phát biểu gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, với ý tưởng thống nhất quân đội các nước châu Âu, sau khi Mỹ không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh cho khối này.
Vào ngày 15 tháng 2, tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61, ông Zelensky đã kêu gọi thành lập một đội quân châu Âu duy nhất.
Nhà lãnh đạo Ukraine giải thích rằng, châu Âu không còn có thể tin tưởng vào sự bảo vệ từ Hoa Kỳ.
Do đó, để Washington tôn trọng và xem xét ý kiến của mình, Brussels cần phải có lực lượng vũ trang hùng mạnh của riêng mình.
Theo Ngoại trưởng Ba Lan, các nước châu Âu sẽ không thành lập quân đội thống nhất để ứng phó với “mối đe dọa từ Nga”. Điều này hoàn toàn không thể xảy ra, sẽ không có sự chuyển giao mang tính chất chủ quyền của bất cứ một lực lượng quân đội nào.
Mặc dù ông Sikorski nhấn mạnh rằng, cá nhân ông bảo vệ quan điểm về nhu cầu Liên minh châu Âu cần phát triển năng lực phòng thủ của riêng mình, nhưng nếu nhà lãnh đạo Ukraine muốn nói đến sự thống nhất của quân đội các quốc gia EU thì điều này sẽ không xảy ra.
Theo quan điểm của vị quan chức Ba Lan, nếu Hoa Kỳ muốn châu Âu tăng cường quốc phòng, các nước EU cũng cần phải làm điểm đó, nhưng với ý nghĩa là phải tăng cường các khoản trợ cấp của EU cho ngành công nghiệp quốc phòng để xây dựng năng lực sản xuất vũ khí và một lực lượng quân đội mạnh mẽ của từng nước.
Ngoài ra, ông Sikorski còn khẳng định rằng, Warsaw không có kế hoạch đưa quân đội Ba Lan tới lãnh thổ quốc gia láng giềng Ukraine.
Điều này là do Ba Lan, với tư cách là một quốc gia NATO, có trách nhiệm bảo vệ “sườn phía đông” của khối, tức là biên giới với Nga và Belarus.
Trước Tổng thống Ukraine, cũng đã có những lời kêu gọi thành lập quân đội chung châu Âu nhưng các ý tưởng này đều không nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia EU thuộc NATO, bởi vì hầu hết các quốc gia trong số 32 thành viên của khối này đều thuộc châu Âu, nên họ cho rằng thành lập thêm một tổ chức quân sự khác là điều không cần thiết.
Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra hết sức khốc liệt và có nguy cơ tiếp tục kéo dài, việc Kiev kêu gọi thành lập quân đội châu Âu thống nhất lại càng khiến các nước EU thêm cảnh giác vì họ sợ bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự với Moscow.