Tác động ngược không ngờ từ tẩy chay lông thú

GD&TĐ - Kể từ năm 2015 trở đi, hàng loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng như Armani, Gucci, Hugo Boss… liên tiếp tẩy chay lông thú.

Nếu khai thác đúng cách, lông thú cũng là nguồn tài nguyên bền vững.
Nếu khai thác đúng cách, lông thú cũng là nguồn tài nguyên bền vững.

Với tổ chức bảo vệ động vật, đây là thắng lợi giòn giã. Song, với các cộng đồng bản địa ở Canada vốn sinh cư bằng nghề đặt bẫy, đó lại là bản án tử cho lối sống và bản sắc văn hóa cổ truyền. Đáng ngại hơn là với môi trường, nó còn manh nha nguy cơ mất cân bằng sinh thái.

Mặt trái của chiến thắng

Thập niên 2010 là thắng thế của hoạt động bảo vệ động vật khỏi thảm họa lột da lấy lông làm nguyên liệu may mặc. Trên các sàn diễn thời trang toàn cầu, trang phục làm từ lông thú thật biến mất, thay vào đó là lông thú giả.

Các nhà thu mua lông thú quay lưng với thợ săn bắt hoặc chỉ trả giá cực thấp. Ví dụ ở cuộc đấu giá lông thú hoang dã được tổ chức vào tháng 3/2022 tại Bay (Ontario, Canada), một bộ lông linh miêu chỉ được bán với giá trung bình dưới 160 dollar, không bằng 1/5 trước đây.

“Tôi vẫn nhớ, vào năm 1981, cha tôi bán bộ lông linh miêu được tận 1.100 dollar. Ông hào phóng cho tôi hẳn 100 dollar tiêu vặt và tôi đã mua luôn bàn khúc côn cầu”, Ronald Beaver (thợ săn ở Alberta) nhớ lại.

Ở Canada, linh miêu là loài động vật hoang dã họ mèo phát triển mạnh. Chúng có mặt trên khắp đất nước, sống trong các rừng lá kim, có bộ lông dày tuyệt đẹp và thường săn bắt thỏ. Trước thập niên 1980, Yellowknife, Tây Bắc Canada là nơi tập trung nhiều linh miêu nhất. Nhờ hoạt động săn bắt linh miêu của các thợ săn bản địa, số lượng linh miêu và thỏ rừng luôn ở mức cân bằng.

Năm 1982, thị trường lông thú sụp đổ lần đầu tiên và nó khiến thợ săn bắt linh miêu ở Yellowknife bỏ nghề. Chỉ trong vòng một năm ngắn ngủi, số lượng linh miêu đã tăng vọt và chúng tiêu diệt quần thể thỏ.

Năm 1984, toàn Yellowknife không còn một bóng thỏ hoang. Thiếu con mồi, đàn linh miêu cũng dần dần biến mất. Kể từ đó cho đến nay, quần thể linh miêu và thỏ hoang ở Yellowknife vẫn chưa phục hồi.

“Bốn mươi năm trước, số lượng thợ săn lên đến cả ngàn người, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 280 người”, Devon Allooloo (thợ săn ở Yellowknife) buồn rầu phản ánh.

tac dong nguoc khong ngo tu tay chay long thu (1).jpg
Với cư dân bản địa Canada, đặt bẫy là sinh kế từ ngàn xưa lưu truyền đến nay.

Mất mát lối sống

Phần lớn các cộng đồng bản địa Canada sinh cư tại miền Bắc. Từ rất lâu trước khi có hoạt động buôn bán lông thú, họ đã sống bằng nghề săn bẫy, thuộc da động vật, lấy nó làm nguyên liệu may mặc, chế tạo các đồ dùng phục vụ sinh hoạt…

“Bẫy thú là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc đời tôi. Đó là cách để tôi kết nối với di sản của cha ông mình”, Kogiak, người thu mua lông thú ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories – NWT) Canada cho biết.

Với hầu hết thợ săn ở NWT, bẫy thú là nghề cha truyền con nối. “Chúng tôi học cách đặt bẫy từ cha mẹ, chú bác, người lớn tuổi. Họ cũng học nó từ các thế hệ trước, sau đó truyền lại cho chúng tôi”, thợ săn Shaun Tobac giải thích.

Người bản địa Canada tận dụng triệt để các phần từ con thú mà họ săn bắt được. “Chúng tôi ăn thịt, thuộc da, lấy lông, tận dụng cả xương”, cư dân Vicky Orlias chia sẻ.

“Đặt bẫy là nền tảng gắn bó với đất đai. Trên mảnh đất này, chúng tôi xây dựng cảm xúc, tâm linh, năng lượng và sức sống. Trong suy nghĩ của chúng tôi, con người chỉ là một phần của tự nhiên, góp mặt làm phong phú và khiến mọi thứ phát triển”, thợ săn Dragon Smith phân tích.

Mùa Xuân năm 2020, nhà thu mua lông thú Jules Fournel (Canada) tiến vào NWT, tìm mua lông chồn, chuột xạ hương, cáo, sói, linh miêu như mọi bận. Ông mang theo 60 nghìn dollar và ghé vào ngôi làng thợ săn có dân số 130 người, hy vọng thu mua được nhiều.

Nào ngờ trước đó, mùa Đông năm 2019, truyền thông Anh lan tin Nữ hoàng Elizabeth II (1926) tẩy chay thời trang lông thú. Các thợ săn trong làng nghe đồn sẽ không có ai thu mua lông thú nên đồng loạt bỏ đi săn, Fournel phải trở về tay không.

tac dong nguoc khong ngo tu tay chay long thu (2).jpg
Hoạt động săn bẫy ở Canada góp phần cân bằng hệ sinh thái.

Khó khăn phục hồi

Hoạt động bảo vệ động vật hoang dã ở Canada phụ thuộc vào thợ săn NWT. “Họ là người đầu tiên biết được sức khỏe của tự nhiên, sớm hơn rất nhiều so với các nhà khoa học hoặc chính phủ”, nhà bảo tồn Clayton Lamb (Canada) cho biết.

Năm 2021, Canada trích 100 triệu dollar từ ngân sách nhà nước, đầu tư cho chương trình “người bản địa bảo vệ hoang dã”. Nhờ có sự giám sát và quản lý của họ, chính phủ và các tổ chức mới có thể nhanh chóng cập nhật tình hình tự nhiên, đưa ra giải pháp thích hợp. Vì thế, cho dù là bảo vệ văn hóa bản địa hay sức khỏe sinh thái, Canada vẫn cần thợ săn NWT.

“Thời trang lông thú là đỉnh cao của tay nghề và sự sáng tạo”, nhà thiết kế thời trang D’Arcy Moses (Canada) ca ngợi. Năm 2014, Canada cố gắng đưa lông thú thật trở lại sàn diễn. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại.

Đến cả “vua lông thú hoang dã” Canada Goose cũng bị cuốn vào cơn bão tẩy chay. Năm 2015, hàng loạt các thành phố thuộc Bắc Mỹ cấm lông thú, quốc gia Israel (Trung Đông) còn cấm buôn bán các sản phẩm mới từ lông thú.

Nhìn chung, mọi xu hướng liên quan đến lông thú đều bất lợi với cộng đồng săn bẫy bản địa Canada. Hoạt động đặt bẫy vốn tốn kém thời gian, công sức và phụ thuộc vào vận may nên cuối cùng, hầu hết các thợ săn NWT đều chán nản, bỏ cuộc vì “thu nhập không bõ công bỏ ra”.

Gần đây, NWT phải mở chương trình thu mua lông thú mới, chấp nhận ứng tiền trước để các thợ săn có động lực làm việc. Thay vì châu Âu, NWT nhắm tới thị trường châu Á, nơi người tiêu dùng không quá cực đoan và chính quê hương, nơi các dân tộc địa phương vẫn tin dùng da, lông động vật.

“Nếu bạn hợp tác với các cộng đồng bản địa, lông thú sẽ bền vững và đa dụng. Nó mang lại lợi ích kinh tế, duy trì văn hóa, khơi dậy cảm xúc tự tôn. Chúng tôi không muốn đánh mất những điều này”, Moses kêu gọi.

Theo nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ