Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi.
Giai đoạn dân số già từ năm 2036
TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) - cho biết, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu này được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam do Tổng cục Dân số phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Á và ASEAN (ERIA), Hiệp hội Y tế tiên tiến Nhật Bản (MEJ) tổ chức.
Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036. Khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65+ tuổi đạt 14,2% tổng dân số.
Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Sau 20 năm (2036 - 2055), Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số siêu già.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh năm 2051, chạm mốc 107 triệu, sau đó giảm dần. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê ước tính, dân số sẽ “xuống dốc” sau khi đạt 117 triệu năm 2066 do tỷ lệ sinh ngày càng thấp.
Năm 2006, tổng tỷ suất sinh Việt Nam lần đầu giảm xuống dưới mức thay thế 2,1 con mỗi phụ nữ và duy trì từ đó đến nay, ngoại trừ 2020 và 2021. Trước thực tế này, chiến lược dân số đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu duy trì tổng tỷ suất sinh cả nước ở ngưỡng thay thế. Song, chưa quốc gia nào đảo ngược được xu hướng giảm sinh con của phụ nữ.
Cũng theo UNFPA, tỷ lệ trẻ em tử vong ngày càng giảm nhờ chế độ dinh dưỡng, hệ thống y tế, điều kiện sống cải thiện. Năm 1976, cứ 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam thì có 76 trẻ qua đời. Tỷ lệ này hiện còn 21 trên 1.000, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ thu nhập. Điều này góp phần giảm tỷ suất tử vong chung của cả nước.
Song song đó, tuổi thọ người Việt đang tăng lên, gần mức bình quân của nhóm nước thu nhập trung bình cao. Người dân Việt Nam có tuổi thọ trung bình 65 sau ngày thống nhất đất nước. Ngày nay, con số này là gần 74 tuổi.
UNFPA cho biết, những yếu tố trên đang đẩy Việt Nam đi nhanh hơn đến ngưỡng cửa dân số già. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.
Thách thức về kinh tế - xã hội
Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội. Đồng thời, đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.
“Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống bảo trợ xã hội tương đối phát triển. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống bảo trợ xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi”, UNFPA nhận định.
Cũng theo UNFPA, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh. Nguy cơ khuyết tật cũng tăng lên theo độ tuổi. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ở Việt Nam, người cao tuổi thường nhận được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.
Tình trạng phân biệt đối xử theo tuổi tác có thể xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng thường không được giải quyết. Không may, người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, có xu hướng bị bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng. Mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi người cao tuổi.
Trong khi đó, TS Phí Vĩnh Tường - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới - nêu, đặc điểm già hóa dân số ở Việt Nam là diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số. Già hóa dân số cũng diễn ra với nhịp độ khác nhau theo giới tính, theo vùng, miền.
Ngoài ra, già hóa dân số đi kèm với nhu cầu tiếp tục làm việc gia tăng. Đồng thời, chưa gắn với cải thiện sức khỏe người già. Người già chủ yếu sống ở nông thôn và có mức sống thấp. Già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, đi kèm với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần giải quyết như cơ sở hạ tầng, việc làm, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội.
TS Phí Vĩnh Tường nhấn mạnh, quá trình già hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội trong cả ngắn và dài hạn. Trong ngắn hạn, già hóa dân số ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động.
Từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong dài hạn, già hóa dân số tạo ra các tác động đa chiều, nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh xã hội và văn hóa.