Hiện nay, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60; 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.
Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi nước ta là 17% và 20 năm sau đạt 25%.
Theo quy chuẩn về nhân khẩu thế giới, giai đoạn già hóa dân số của một nền kinh tế là khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%. Khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân thì được xem là giai đoạn dân số già.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đang vận động mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con để tránh tình trạng gì hóa dân số.
Theo ông, các nền kinh tế phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Ví dụ Australia mất 73 năm, Mỹ phải 69 năm, Canada 65 năm để bước sang giai đoạn dân số già. Nhưng Việt Nam chỉ mất 22 năm để chính thức bước vào giai đoạn dân số già.
Tuy nhiên, già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải tại các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình, nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân của thực trạng này là tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Thực trạng này đã đặt ra nhiều thách thức đối với những chính sách liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tại Việt Nam, số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội chỉ chiếm gần 30%. Chính vì vậy, rất nhiều người cao tuổi vẫn phải tự lao động và kiếm sống. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, trong nửa thế kỷ qua, người Việt sống thọ (tuổi thọ được tăng thêm đến 33 tuổi) nhưng không khỏe mạnh. Trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình, với tỷ lệ 1 người mắc gần 3 loại bệnh.
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cũng cho biết, tỷ lệ sinh ở nước ta đã giảm khá thấp: Từ năm 1993, mức sinh đã giảm 3,8 con/phụ nữ, xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2006 và mức sinh này đã duy trì trong hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, có một số khu vực như Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM, mức sinh rất thấp, chỉ là 1,45 con. “Khi mức sinh thấp quá, chúng ta không thể bắt buộc phụ nữ đẻ nhiều, mà chỉ là khuyến nghị, vận động họ đẻ tới 2 con”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.
Đối với một quốc gia sẽ không có chính sách dân số riêng cho mỗi khu vực, mỗi tỉnh, thành phố. Về mặt luật pháp cũng không quy định khu vực nào được đẻ bao nhiêu con, mà chỉ là các cuộc vận động người dân.