Từ năm 2025, đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có thêm 2 dạng thức câu hỏi mới là trắc nghiệm đúng/sai, trả lời ngắn, cùng dạng thức truyền thống trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Theo đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố, với câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý và thí sinh phải trả lời đúng/sai với từng ý của câu hỏi. Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.
Hai dạng thức câu hỏi mới nói trên được Bộ GD&ĐT thử nghiệm trong thực tế và cho biết phù hợp việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh. Để làm tốt dạng thức câu hỏi mới, đòi hỏi thí sinh có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện, chắc chắn, hạn chế việc dùng “mẹo mực” để chọn đáp án.
Vì là dạng thức mới, yêu cầu cao hơn nên việc cho học sinh tiếp cận, làm quen cần thực hiện sớm, bởi thời gian đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn hơn một năm. Tạo sự xuất hiện thường xuyên của dạng thức câu hỏi mới trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá là việc phải làm.
Trên thực tế, nhiều nhà trường, giáo viên đã nhanh chóng đan cài dạng thức trắc nghiệm đúng/sai, trả lời ngắn trong các câu hỏi, bài tập khi kiểm tra đánh giá thường xuyên và quá trình dạy học. Riêng đánh giá định kỳ, dạng thức câu hỏi mới được nhiều trường khẳng định sẽ xuất hiện trong đề kiểm tra dành cho học sinh lớp 10, lớp 11, từ học kỳ II năm học 2023 - 2024.
Để làm được điều này, giáo viên, nhà trường cần xây dựng các câu hỏi theo định dạng mới để phục vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đây là yêu cầu không đơn giản bởi thiết kế câu hỏi, đề kiểm tra bình thường đã khó; càng khó khăn hơn với câu hỏi, đề kiểm tra theo định dạng mới bởi chính thầy cô cũng bỡ ngỡ.
Từ thực tế triển khai, một số giáo viên khẳng định xây dựng câu hỏi/đề kiểm tra có định dạng câu trắc nghiệm mới đòi hỏi người dạy phải bỏ ra nhiều công sức, đầu tư chuyên môn, chất xám và cần hỗ trợ, phản biện cho nhau mới có được câu hỏi chất lượng, nhất là dạng câu hỏi đúng/sai.
Do đó, bên cạnh công tác tập huấn của Bộ GD&ĐT, sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của sở/phòng GD&ĐT, ban giám hiệu nhà trường là vô cùng quan trọng. Trong đó có việc Hội đồng bộ môn chủ động tập tổ chức tập huấn, hội thảo để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm xây dựng ngân hàng câu hỏi. Tăng cường trao đổi về xây dựng câu hỏi theo dạng thức mới trong các buổi sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn.
Nhà trường cần có kế hoạch phân công giáo viên xây dựng câu hỏi theo dạng thức mới để bổ sung cho ngân hàng câu hỏi phục vụ kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ. Trong quá trình triển khai cần có phản hồi từ học sinh, giáo viên để điều chỉnh phù hợp. Việc trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp ở ngoài trường, tỉnh về nội dung này cũng cần thiết…
Có thể nói, yêu cầu cao từ định dạng câu hỏi mới là thách thức và cơ hội, lực đẩy để nâng cao chất lượng dạy học khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Những ưu điểm của câu hỏi đúng/sai, trả lời ngắn trong đánh giá năng lực người học sẽ tác động tích cực vào đổi mới kiểm tra, đánh giá; qua đó tác động trở lại việc dạy học.