(GD&TĐ) - Một lần, vị tổng giám đốc một tổng công ty dệt may chia sẻ suy nghĩ này với tôi, rằng anh thấy cái khác nhau rõ rệt giữa nhà báo và doanh nhân, đó là nhà báo nói mà không làm, còn doanh nhân thì làm mà không nói.
Nghề đắm say với nghĩ suy
Thế rồi, một lần khác, chồng tôi làm cơm xong, bảo trẻ con giục tôi vào mâm, tôi mải suy nghĩ nên quên mất không vào, anh phải tới bàn viết kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh hỏi, em nghĩ gì nghĩ lắm thế? Nghĩ có ra tiền không mà sao nghĩ cả ngày cả đêm. Tôi trả lời anh, suy nghĩ của em là tiền của em đấy. Chồng tôi chỉ cười bao dung mà không thèm trề môi.
Những người khác họ nghĩ về nghề nhà báo của tôi thế nào là quyền của họ.
Chọn nghề nhà báo vì tôi thích nghề đó. Và tôi có một định nghĩa riêng cho nghề mình lựa chọn, đó là nghề được đắm say với câu chữ và nghĩ suy. Đó là nghề có thể nói và viết ra những điều ẩn sau sự kiện, những mặt khác của hiện thực và có thể mô tả tương lai. Không đơn thuần chỉ là phản ánh hiện thực. Hơn thế, đó là một công việc tìm kiếm, khai thác những điều hơn cả sự thật được nói hoặc được diễn ra.
Phóng viên tác nghiệp |
Công việc hàng ngày của tôi không hề dễ chút nào, bởi tôi luôn phải đối diện với những cái bóng của sự thật. Bản chất của con người là lừa mị, nên họ luôn có xu hướng tạo ra những vỏ bọc khác cho sự thật, họ chối từ sự thật. Vì thế, khi hàng ngày phải tiếp xúc với những cái vỏ ấy, tôi cần tinh tường nhìn thấu qua nó để tìm kiếm sự thật, để nhìn ra cả cái ẩn sâu bên trong của sự thật, tương lai của nó. Một cách hết sức tinh tế, tôi phải biết làm sao bóc vỏ cho sự thật. Nó đòi hỏi những suy nghĩ rất ghê, nếu không, ngòi bút của nhà báo như tôi dễ rơi vào cái bẫy của thói quen lừa mị, ảo tưởng của người đời.
Khi tôi bước chân vào nghề báo, đó là cuối năm 1993, thời điểm thể loại báo chí được bao toàn diện để phục vụ mục đích đánh bóng mạ kền của toàn xã hội nước ta đã đi vào hồi kết. Và thể loại báo chí tìm kiếm sự thật, soi xét và dự báo bắt đầu manh nha hình thành và lớn lên. Có thể ai đó nhìn ra sự nguy hiểm của nó, muốn dập nó đi, nhưng mặc cho những trở ngại, nó cứ trỗi dậy, nó vặn vẹo, nó đứng lên và bùn bụi lả tả rơi xuống. Tôi thấy mình may mắn được tham gia thời điểm chuyển mình ấy của báo chí nước nhà. Chứng kiến những cái chết, những suy tàn, những thai nghén, sinh nở và oằn oại vươn lên của những tờ báo, tạp chí.
Có những tờ báo như cái cây, chọn bám rễ vào sự thật mà sống, nhưng sự thật vẫn phải lẩn quất, ẩn trú, và nếu bộ rễ không đủ khỏe, đủ bền, thì cây sẽ không có đủ dưỡng chất, sẽ dần tàn lụi.
“Công nghệ” đầy thách thức
Trở lại với những suy nghĩ của tôi -cũng là tiền của tôi. Thì trong quá khứ, hiện tại tôi đang phấn đấu biến mỗi suy nghĩ của mình thành tiền. Trở ngại lớn nhất của một nhà báo là tôi, đó chính là những suy nghĩ miên man vô bổ, nó có sức hấp dẫn nhất định và nó lôi kéo tôi vào miền vô định, không mang lại kết quả gì cụ thể, nói tóm lại là không ra tiền. Về vấn đề này, bạn tôi, Tiến sỹ Phan Quốc Việt, từng khuyên, hãy kiểm toán suy nghĩ của mình thật triệt để.
Tôi luôn trăn trở làm sao để biến mỗi suy nghĩ của mình thành tiền, nói cụ tỷ ra thì có nghĩa là thành bài báo để đăng, tạo dòng nhuận bút chảy vào túi tôi. Với tham vọng hơn nữa thì từ mỗi bài báo, nảy ra ít nhất là một suy nghĩ được nối tiếp ở bạn đọc, một sự thay đổi nhận thức, tiếp đến thay đổi hành vi, làm cho xã hội được cải thiện. Ngày này qua ngày khác, đây có thể coi là một “công nghệ” đầy thách thức đối với tôi, nghề nghiệp nhà báo của tôi.
MAI KA