Nỗ lực giữ ngành truyền thống

GD&TĐ - Nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Điểm đáng chú ý, đa số trường đều mở ngành mới, nhiều trường mở 5 - 7 ngành, thậm chí tới 9 - 10 ngành.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phần đông các trường tập trung mở mới nhóm ngành kinh tế - quản lý và công nghệ số. Điều này cũng dễ hiểu. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, khối ngành kinh tế quản lý luôn chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất, trong kỳ tuyển sinh 2021 là  32,77%. Bên cạnh đó, nếu chỉ xét nguyện vọng 1, nhóm ngành này chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm thu hút nhiều thí sinh nhất.

Xu hướng phát triển kinh tế số cũng đang tạo nên sức hút lớn, tác động mạnh đến việc chọn ngành nhóm công nghệ số. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2021  nền kinh tế kỹ thuật số của nước ta tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD, nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỉ USD vào năm 2025.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành nếu bảo đảm điều kiện theo quy định. Do đó, việc các trường đại học thêm nhiều ngành mới là điều có thể dự đoán. Đa số các trường mở ngành đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, khảo sát, tính toán kỹ lưỡng về nhu cầu của thị trường lao động cũng như chuẩn bị kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ. Đây là chuyển động tích cực, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của nhà trường, tăng sức hút với thí sinh.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung, đây đó vẫn có những trường đại học chạy theo ngành hot trong lúc nguồn lực phục vụ cho đào tạo vẫn chưa đảm bảo. Tình trạng thay đổi tên ngành để sang hơn, hot hơn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ” vẫn đang diễn ra. Đặc biệt đáng chú ý, không ít trường  đang “loại” dần những ngành khoa học cơ bản, đặc thù khỏi danh mục đào tạo, vì các ngành này nghe tên kém hot, kém sang, khó tuyển sinh.

Đổ xô mở ngành hot mà thí sinh đang chuộng, trước mắt  có lợi cho nhà trường, đó là sự thật. Phụ trách tuyển sinh một số cơ sở giáo dục đại học cho biết chỉ cần mở một ngành mới đang hot là có thể “nuôi” được chục ngành còn lại. Đó là lí do nhiều trường chuyên ngành đặc thù sẵn sàng mở 5 - 7 ngành hot mà trường bạn đang ăn nên làm ra, trong khi chỉ tiêu ngành truyền thống thì teo tóp. Mở thêm ngành hot cũng mang lại lợi ích trước mắt cho người học, góp phần rộng cơ hội xét tuyển, thoả mãn mong ước của thí sinh.

Thế nhưng nếu lạm dụng việc mở ngành hot, tạm dừng hay hạn chế chỉ tiêu đào tạo các ngành cơ bản, đặc thù cũng có thể gây nên thiếu thừa nhân lực trong tương lai. Đặc biệt, xu hướng này đang gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống.

Thực tế cho thấy, hiện nhiều ngành thuộc khối Khoa học cơ bản, Nông Lâm Thuỷ sản, Kinh tế biển… đang rất khó tuyển. Mới đây, ĐHQG TPHCM buộc có quyết định hỗ trợ học phí 35% cho sinh viên theo học các ngành học đặc thù, ngành khoa học cơ bản khó tuyển của ĐH KHXH&NV TPHCM khi trường này chuyển qua tự chủ tài chính như: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - Thư viện, Lưu trữ học và nhóm ngành Ngôn ngữ (Italy, Tây Ban Nha, Nga). Trước đó, các trường như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Nha Trang… cũng gian nan xây dựng nhiều chính sách để kéo sinh viên vào ngành khó tuyển mà xã hội đang cần.

Trong bối cảnh hiện nay, giữ được những ngành truyền thống, đặc thù, xem ra khó hơn nhiều việc mở một ngành mới đang hot. Thế nhưng nếu chọn dễ, bỏ khó thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân lực quốc gia. Vì thế, để giữ những ngành cơ bản, đặc thù xã hội đang cần, bên cạnh sự nỗ lực của các trường đại học, việc tăng cường công tác hướng nghiệp để học sinh thấy được giá trị ngành trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cần phải làm thật cẩn trọng, chính xác và thông báo rộng rãi dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ