Bắt nhịp xu thế phát triển vùng
TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học và 2 phân hiệu đại học, 11 trường cao đẳng và phân hiệu trường cao đẳng. Bên cạnh quan tâm đến chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, các trường còn đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là mở các ngành mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Hiện, trường có gần 200 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Thời gian tới, trường tiếp tục phát triển ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo theo định hướng đa ngành, đa lĩnh vực ở các trình độ với nhiều hình thức đào tạo. Trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhiều người và nhu cầu nhân lực có trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, nguồn nhân lực ĐBSCL hiện nay thiếu và yếu không chỉ trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản, quản lý môi trường…, mà còn thiếu và yếu công nhân có tay nghề cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp mới mở.
Ngành mạnh nhất của ĐBSCL hiện nay là nông nghiệp chế biến thủy sản như chế biến cá tra, tôm, rau quả, công nghệ sau thu hoạch… nhưng rất thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông. Trong 10 năm qua, ĐBSCL mất gần 1,5 triệu lao động, do di cư đến các khu công nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương làm việc.
Đào tạo phù hợp xu thế phát triển kinh tế, xã hội vùng, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mở các ngành mới như Công nghệ kỹ thuật năng lượng; Công nghệ kỹ thuật hóa học và một số ngành đào tạo hỗ trợ quản lý phát triển kỹ thuật công nghệ như Quản trị kinh doanh; Quản trị kế toán…
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu của trường là phát triển trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng liên ngành kỹ thuật công nghệ. Các ngành trường đang đào tạo có nhu cầu nguồn nhân lực rất cao, nhằm đáp ứng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong đó, ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu rất lớn cho ĐBSCL và cả nước. “Trường tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên nguồn lực cho các ngành mới. Riêng ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng, trường đảm bảo 95% đội ngũ giảng viên giảng dạy trọn vẹn; 5% còn lại sẽ mời giảng viên trong và ngoài nước”, PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã cho biết.
Linh động trong đào tạo
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế cho ĐBSCL, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tập trung nguồn lực cho đào tạo và mở thêm ngành mới. Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1.920 sinh viên (trong đó có 320 chỉ tiêu của hệ liên thông chính quy) cho 10 ngành đào tạo trình độ đại học. Trong đó, có 2 ngành mới là Hộ sinh và Kỹ thuật hình ảnh y học.
Theo PGS.TS Trần Viết An, Trưởng phòng Ðào tạo đại học, mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành Y tế. Đồng thời, trường vẫn duy trì 2 hình thức trúng tuyển là đại trà và nhu cầu xã hội (đào tạo đặt hàng), đặc biệt lĩnh vực Y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh).
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Trung tâm quảng bá cộng đồng, Trường ĐH Trà Vinh, trường luôn mở rộng các chương trình đào tạo theo hướng đa dạng hóa gắn kết chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực khu vực và cả nước.
Thế mạnh của trường là các ngành Nông nghiệp - Thủy sản; Kỹ thuật - Công nghệ; Khoa học sức khỏe; Răng Hàm Mặt; Ngoại ngữ; Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ; Kinh tế - Luật, Hóa học ứng dụng; Sư phạm; Quản lý Nhà nước - Quản trị văn phòng; Du lịch - Nhà hàng, khách sạn; Khoa học cơ bản…
“Nhà trường tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực về năng lượng, điện, cảng, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, du lịch… Trường gắn kết với doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thực hiện đào tạo theo địa chỉ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Khoa Ngôn ngữ, Văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam Bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển cộng đồng người dân tộc…”, Thạc sĩ Nguyễn Đồng Khởi cho biết.
Theo TS Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, trường định hướng các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp làm nền tảng, thế mạnh trong đào tạo. Để tạo sức hút, trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo cầu nối, gắn kết doanh nghiệp để sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao…
TS Nguyễn Tuấn Khanh nhận định ngành du lịch cũng là bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Kiên Giang là tỉnh có lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch, do đó nhà trường đào tạo ngành du lịch và hậu cần du lịch với các ngành Du lịch, Kế toán, Quản trị kinh doanh... nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển của tỉnh, đặc biệt là TP Phú Quốc.
Ngoài ra, các địa phương vùng tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng cần nguồn nhân lực rất lớn để đáp ứng điều kiện phát triển ngành du lịch. Không chỉ Kiên Giang mà các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cũng chưa “giải” được “cơn khát” nguồn nhân lực ngành này…