Khách sạn “o ép” di sản

GD&TĐ - Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu các ý kiến chuyên gia, giữ lại khu đồi xanh (đồi Dinh) có dinh Tỉnh trưởng để không làm mất đặc trưng cảnh quan đô thị Đà Lạt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt được xây dựng từ trước năm 1910, gắn với lịch sử hình thành phát triển thành phố. Đây là nơi sinh sống và làm việc của Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. Do đó, người dân địa phương vẫn quen gọi là “dinh Tỉnh trưởng”. 

Dinh Tỉnh trưởng được nhiều người quan tâm, đặc biệt khi Lâm Đồng công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình. Hằng ngày đều có du khách tìm đến dinh Tỉnh trưởng để chiêm ngắm vẻ đẹp kiến trúc và không gian xanh xung quanh. Nhiều người đến cũng là muốn biết lịch sử của dinh thự có tên gọi dinh Tỉnh trưởng trước khi di dời để thực hiện cụm khách sạn cao tầng tại đây. 

Dinh thự này là một tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao hơn 1.500m (so với mực nước biển) có kiến trúc đẹp bậc nhất ở Đà Lạt, được người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910. Mật độ xây dựng công trình Dinh chỉ khoảng 10%. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả thành phố thơ mộng.

Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho một nhà đầu tư tôn tạo công trình để khai thác kinh doanh, nhưng họ không thực hiện. Đến năm 2014, tỉnh Lâm Đồng tôn tạo, chỉnh trang lại dinh Tỉnh trưởng và giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng quản lý, sử dụng.

Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình thì đồi Dinh có diện tích 4,43ha. Khi thực hiện công trình khách sạn sẽ có kết cấu 3 tầng chìm, 7 tầng nổi, mật độ xây dựng từ 30 - 70%, trên diện tích đất hơn 16.900m2, chiều cao tối đa 55m…

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu rõ: Giải pháp xây dựng khách sạn quy mô lớn ở khu vực đồi Dinh là không phù hợp. Nên giữ là đồi xanh có công trình dinh Tỉnh trưởng để không làm mất đặc trưng cảnh quan đô thị của Đà Lạt.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có hơn 3.300 di tích quốc gia. Trong lĩnh vực văn hóa, có 13 di sản văn hóa phi vật thể, 8 di sản thế giới, 7 di sản tư liệu. Các di tích, di sản xanh không chỉ khẳng định chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa, mà còn thể hiện diện mạo giang sơn gấm vóc và tài nguyên thiên nhiên đất nước.

Thử tưởng tượng, khi một khách sạn 10 tầng được xây dựng, thì bao nhiêu cây cối trên khu đồi phải chặt hạ? Cảnh quan đồi Dinh sẽ ra sao khi khách sạn thay thế dinh Tỉnh trưởng? Sẽ ra sao khi thương mại chiếm chỗ di tích? Và, chúng ta đang đối xử với di sản theo cách nào: Tôn trọng hay thô bạo?

Xây dựng khách sạn thì dễ, tạo lập di sản mới khó. Phá cái khó để làm cái dễ đã là một bài toán sai lầm. Đà Lạt không thiếu khách sạn, xây khách sạn là việc của chủ đầu tư, giữ di sản là trách nhiệm của chính quyền. Hà cớ gì chính quyền lại ra sức “bóp nghẹt” di sản? Lịch sử đã để lại nhiều bài học đắt giá khi ai đó cố thay thế hay “nhét” những thứ vô duyên vào di tích. Đừng xâm phạm di sản, làm thế là có lỗi với tiền nhân, có tội với dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ