“Giữ lửa” cho “lò” chống tham nhũng

GD&TĐ - Vào năm 2014 và 2018, chúng ta cũng đã từng tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng đó là những hội nghị tổng kết hàng năm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khác với hai lần trước, Hội nghị về nội dung này diễn ra cuối tuần qua là để tổng kết, đánh giá kết quả công tác phòng, chống trong 8 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập (năm 2013).

Hội nghị đã bàn những biện pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, với quy mô lớn, số lượng đông và thành phần rộng hơn (5.700 đại biểu dự trực tiếp và qua 80 điểm cầu trực tuyến trên cả nước). Có thể nói, đây là hội nghị toàn quốc có quy mô lớn nhất về công tác phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay.

Đánh giá, tổng kết tại Hội nghị cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng trong 8 năm qua đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước và gặt hái kết quả to lớn. Cụ thể, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy…).

Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự...

Những hành động quyết liệt như vậy cho thấy từ chủ trương của Đảng đã biến thành hành động và tạo ra kết quả cụ thể. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đạt tỷ lệ 32,04%. Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Và thành quả cao nhất thu được chính là niềm tin của người dân vào Đảng đã được khôi phục: Xử lý tham nhũng thực sự không có bất kỳ vùng cấm nào, không có bất kỳ cá nhân nào dù là lãnh đạo ở cấp cao nhất có thể đứng trên kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi đã có hành vi tham nhũng.

Thành công của công tác phòng, chống tham nhũng trong gần một thập kỷ qua đã đặt nền tảng cho tiến trình này trong dài hạn, khi xử lý thành công nhiều cá nhân tham nhũng, tạo thuận lợi cho các bước đi tiếp theo.

Dù vậy thách thức của công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn sắp tới vẫn rất lớn bởi nhiều yếu tố. Trong đó phải kể tới những lỗ hổng đến từ hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện tạo môi trường cho tham nhũng. Đáng chú ý, kết quả chống tham nhũng ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan còn phụ thuộc vào ý chí chính trị của người đứng đầu hơn là kết quả đạt được từ sức mạnh của thể chế.

Bên cạnh đó, có những vụ việc cho thấy có dấu hiệu bắt tay và lũng đoạn có hệ thống không chỉ trong nội bộ của một cơ quan, doanh nghiệp, mà còn ở cấp độ “liên bộ” hoặc cao hơn, điều đó có nhiều khả năng vô hiệu hóa hiệu lực của hệ thống phòng chống tham nhũng. Nếu không có sự kiên quyết chỉ đạo của Ban Bí thư, có lẽ rồi vụ việc sẽ chìm vào im lặng bởi những lá bùa trấn yểm  và những thế lực đằng sau đó.

Vì vậy, cùng với giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng thì cơ quan phòng chống tham nhũng cần có người đứng đầu liêm chính, có bàn tay sắt và tinh thần chống tham nhũng tới cùng. Chính những người đó sẽ giữ lửa cho lò chống tham nhũng trong những năm sắp tới!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ