Giải pháp bền vững

GD&TĐ - Gần như xung quanh khu vực trường học nào, từ mầm non, tiểu học cho đến THPT đều có vài hàng quán, có thể là xe đẩy hàng rong, hàng tạp hóa bày bán đồ chơi vặt, đồ ăn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nắm bắt tâm lý của HS, chủ hàng bày bán những đồ chơi, đồ ăn, thức uống rất bắt mắt. Vui bạn vui bè, lại phù hợp với khẩu vị và túi tiền của HS nên rất hiếm hàng quà vặt quanh trường học rơi vào tình trạng ế ẩm. 

Giờ ra chơi ngắn ngủi hay giờ tan học, HS ùa đến bao quanh xe bán thức ăn để mua hàng. Khó để có con số thống kê chính xác về tình trạng HS bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng đồ ăn, nước uống, đồ chơi từ các hàng quán trước cổng trường trên cả nước. Gần như cứ sau mỗi “sự cố” liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an ninh trường học, các cơ quan ban ngành đều tổ chức ra quân dẹp trật tự. Hàng rong tạm thời nghỉ bán, chờ tình hình yên ắng lại bày bán trở lại. 

Theo lãnh đạo các trường học, những hoạt động diễn ra bên ngoài cổng trường, nhà trường chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt, càng không thể cấm và cũng không đuổi được. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền cho HS không ăn quà vặt, các trường đã chủ động liên hệ với công an, dân phòng, nhờ kiểm tra vào các thời điểm trước giờ HS vào lớp và khi tan trường để xử lý. Nhiều trường đã vắng bóng hàng rong nhờ cách làm này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tại địa phương không thể lúc nào cũng túc trực quanh khu vực trường để làm nhiệm vụ này. Chưa kể, chủ các xe hàng rong đều tìm mọi cách, thường xuyên di chuyển để “né” kiểm tra.

Chính vì vậy, để có thể chấm dứt tình trạng hàng rong bao vây cổng trường, ảnh hưởng đến trật tự giao thông trước và sau mỗi buổi học, cần thiết phải có cơ chế xử lý đủ mạnh. Khi phát hiện có người bán hàng rong phải lập biên bản, tịch thu hàng hóa, phương tiện, xử phạt hành chính để răn đe. Tuy nhiên, lâu nay lực lượng công an, dân phòng các địa phương chỉ mới thực hiện ở mức nhắc nhở, nặng lắm thì thu giữ hàng hóa, xe đẩy... nên chưa đủ mạnh. 

Một yếu tố nữa cũng phải kể đến, đó là việc bán hàng rong quanh khu vực trường học còn liên quan đến mưu sinh của người nghèo. Chính vì vậy, với các quy định hiện nay, hoạt động hàng rong không bị cấm mà được đưa vào quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm dưới loại hình thức ăn đường phố.

Ban quản lý an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành đều tổ chức các khóa tập huấn cho các quận huyện để nâng cao năng lực giám sát cho tuyến xã, phường. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành y tế, những hàng quán trước cổng trường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với HS. Sự phối hợp, quan tâm của chính quyền cơ sở trong phối hợp với các trường học để thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn phạm vi hoạt động của hàng rong quanh cổng trường là điều cần thiết và thực hiện thường xuyên. 

Nhiều trường học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, đã trang bị cho HS kiến thức căn bản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ những hiểu biết này, các em sẽ quan tâm hơn đến nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng của thực phẩm, biết thế nào là món ăn hợp vệ sinh, tốt cho sức khỏe...

Cùng với nhà trường, phụ huynh cũng phải thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo con em mình về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các món ăn vặt. Cho con tiền tiêu vặt, phụ huynh cũng đồng thời phải hướng dẫn con cách sử dụng tiền hợp lý, giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh. Đây có lẽ là biện pháp bền vững nhất để chấm dứt tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trước các khu vực trường học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.