Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các hàng quán này gần như bị buông lỏng, khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gieo mầm bệnh.
Hàng quán “lập chợ” trước cổng trường
Vào mỗi buổi sáng tại nhiều cổng trường trên địa bàn TPHCM có thể thấy khá nhiều cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh tại các điểm ăn uống mà đối tượng chủ yếu là HS.
Đối diện cổng Trường Tiểu học Tuy Lý Vương và Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8) có hơn chục quầy kinh doanh đồ ăn sáng, nước uống công nghiệp. Tại đây, khoảng 6 giờ 30 phút hằng ngày, nhiều phụ huynh chở con đến cổng trường để ăn sáng rồi vào lớp. Khoảng hơn 7 giờ 30 phút, hàng quán bắt đầu dọn dẹp để bán nước uống, quà ăn vặt cho đến khi HS khối chiều tan lớp. Sở dĩ các hộ kinh doanh thức ăn, nước uống kéo dài gần trọn ngày vì hầu hết đều sử dụng vỉa hè hai bên đường làm nơi “tập kết” kinh doanh.
Tương tự tại điểm Trường Tiểu học Chính Nghĩa trên đường Nguyễn Trãi (Quận 5) đoạn gần chùa Ông, mới đây cũng có tình trạng các hộ kinh doanh đồ ăn sáng như bún, hủ tiếu, xôi, bánh mì… tập kết bàn ghế “họp chợ” ngay trên vỉa hè để phục “thượng đế”. Trước các cổng trường trên đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 10), nhiều năm nay cũng trở thành “phố ăn sáng” gồm các quán hàng rong, gây mất mỹ quan, cản trở giao thông.
Những gánh hàng rong với đủ loại thức ăn, nước uống đóng chai xanh, đỏ… án ngữ ngay trước cổng trường. Nhiều quán hàng có khi bày bán ngay trên miệng cống bốc mùi hôi thối… Đa phần người bán hàng không đeo găng tay khi lấy thức ăn.
Có quán chỉ dùng 1 bình nước để rửa tay, rửa bát, đũa… với đầy dầu mỡ cáu bẩn. Hay dùng chiếc giẻ lau bám đầy bụi đường lau thớt và dao để thái đồ ăn bán cho khách. Hỏi về VSATTP, một chủ quán xua tay: “Chúng tôi bán lấy uy tín làm lãi. Bán toàn hàng sạch, có nguồn gốc ở chợ nên khỏi cần kiểm tra. Chú thấy đó, HS cứ ăn ào ào mà có ai kêu la đau bụng, tiêu chảy gì đâu?”.
Trường học chỉ có thể tuyên truyền
Bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, nguyên nhân chính để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do việc chế biến, bảo quản chưa bảo đảm vệ sinh. Thực phẩm chế biến xong còn để quá lâu so với quy định (2 giờ) dẫn đến việc bị nhiễm vi sinh vật và gây ra các vụ ngộ độc trong thời gian qua.
Đa số hàng rong trước cổng trường, nhất là thức ăn chế biến sẵn, rất khó bảo đảm theo quy chuẩn ATTP. Thế nhưng, việc cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hoạt động và xử lý các cơ sở kinh doanh ăn uống trước cổng trường rất khó. Bởi các cơ sở này hoạt động mùa vụ, không cố định và chỉ mang tính chất hộ tiểu thương nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, HS đang ăn mà lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý các sai phạm nếu có sẽ tạo những hệ lụy xấu khác. Do đó, khi kiểm tra, lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở và tịch thu, tiêu hủy mặt hàng vi phạm là chính.
Chủ một hàng nước ngọt trên đường Tùng Thiện Vương (Quận 8) cho hay, thỉnh thoảng cũng bị ngành chức năng đến kiểm tra. Biện pháp lúc đó là chủ hàng dọn đồ chạy, có khi bị tịch thu vài chiếc ghế!
Cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tay để xử lý hàng rong trước cổng trường kêu khó thì với nhà trường, việc giải tỏa các khu chợ hàng rong này càng khó hơn. Bởi hiệu trưởng các trường cũng chỉ quản lý trong nội bộ khuôn viên trường học, còn bên ngoài thì phải cậy đến cơ quan chức năng địa phương. Để giảm bớt vấn nạn hàng rong bao vây nhà trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, các trường tập trung chủ yếu vào khâu tuyên truyền.
Thầy Phó Trọng Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8) cho biết: Nhà trường luôn tăng cường giáo dục, nhắc nhở HS. Nếu các em có nhu cầu ăn sáng thì phải lựa chọn cửa hàng hay tiệm ăn sạch sẽ và tuyệt đối là không mua hàng rong ở trước cổng trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tuyên truyền vận động, nhắc nhở các hộ không kinh doanh buôn bán trước cổng trường, nhằm bảo đảm an toàn và thông thoáng.