Từ quán ăn vỉa hè, hàng rong, nhiều học sinh phải nhập viện do ngộc độc thực phẩm, tai nạn do đồ chơi kém chất lượng. Tình trạng mất an toàn giao thông, an ninh trật tự cũng bắt nguồn từ đây.
Bài 1: Nhập viện từ slime tự chế
Đồ chơi slime khiến 35 HS Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải nhập viện. Sau khi mua slime ở hàng tạp hóa, HS M. pha thêm với hỗn hợp nước, muối và phẩm màu rồi đem lên trường bán lại cho các bạn. Nhiều HS dù chỉ đứng xem nhưng khi ngửi thấy mùi hôi từ hỗn hợp này đã bị nôn ói, đau bụng, chóng mặt. Có 6 HS có triệu chứng nặng được chuyển tuyến cấp cứu ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.
Hấp dẫn, “ma mị”
Theo lời kể của HS cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, những ngày gần đây, trong trường có một HS lớp 4 bán slime tự chế cho các bạn. Em T.N.N (lớp 4/1) kể: Bạn mua các gói smile ở hàng tạp hóa trước cổng trường. Các gói slime này có hình dáng giống miếng hạ sốt. Để tự chế slime có màu sắc, bạn ngâm với nước dơ (bẩn), có pha thêm muối. Đợi chất này nở ra cho thêm dung dịch rơ miệng trộn chung vào với phẩm màu rồi đem lên lớp bán cho các bạn. Ngoài HS trong lớp còn có các lớp khác cũng đến hỏi mua.
“Do có một số bạn thấy có mùi hôi nên đem trả lại hàng. Vì ồn ào nên bị thầy giáo phát hiện. Thầy yêu cầu bạn đem hết lên bàn nộp. Thầy mở hộp ra thì mùi hôi khó chịu bay cả lớp. Một số bạn bắt đầu bị đau đầu, buồn nôn, ói mửa và khó thở. Hai bạn bị nặng nhất là những bạn đem túi slime đi vứt ở thùng rác” – em N. kể lại sự việc vào đầu giờ học buổi sáng ngày 16/4.
Em V.T.N (học sinh lớp 4) cho biết: Chúng em biết đến đồ chơi slime từ các clip trên YouTube. “Chúng em xem trên YouTube rồi làm theo. Đồ chơi này là chất dẻo có thể nhào nặn thành các hình thù tùy thích, có độ nảy. Việc tự chế sẽ cho ra những slime có màu sắc riêng mà đồ mua sẵn không thể có được” – em N. cho hay. Các bạn đều có chung băn khoăn sao bạn M. – người tự chế slime lại không bị dù tiếp xúc trực tiếp.
Slime là đồ chơi có xuất xứ từ nước ngoài còn được gọi là “chất nhờn ma quái”. Sự hấp dẫn của slime ở chỗ có thể dễ dàng biến đổi thành bất cứ hình dạng nào mà người chơi muốn.
Nguy cơ từ slime tự chế
Không khó để có thể mua slime ở những hàng tạp hóa, hàng rong xung quanh khu vực các trường tiểu học tại TP Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác. Thậm chí, các chế phẩm để pha trộn cũng được bán sẵn kèm với slime. Nguyên liệu làm slime rất phong phú, tùy theo dạng smile. Có thể sử dụng kem đánh răng, nước rơ miệng, keo (hồ) dán dạng nước hoặc dạng sữa… để tạo thành một khối sệt, mềm dẻo, không dính tay. Để slime hấp dẫn hơn, có thể thêm kim tuyến. Như slime bơ, khi người chơi kéo hoặc đâm qua nhanh, slime sẽ vẫn giữ được hình dạng dàn trải như ban đầu. Đây là loại slime nhiều HS rất thích chơi vì tay luôn bận rộn, tạo hình đẹp.
Slime tự chế là trò chơi hấp dẫn nhiều HS ở lứa tuối tiểu học. Chị T.L.T (trú tại Tân Lâm, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cho hay: Con gái tôi khi học tiểu học rất hay mua các dụng cụ để tự làm slime bán cho các bạn. “Những dụng cụ này gần như là dụng cụ học tập, như hồ dán giấy, nước rơ miệng, màu nước… Nhìn cháu làm, tôi thấy cũng giống như đang làm các thí nghiệm chứ cũng không thấy có gì bất thường”. Tuy nhiên, em L.T.L.G, con của chị T. tiết lộ: “Nếu dùng nước rơ miệng để chế slime thì an toàn. Nhưng nhiều bạn sử dụng bột borax (một dạng hàn the – PV) rồi pha với nước sôi để chế có mùi khó chịu”.
GS.TS Đào Hùng Cường – Chủ tịch Hội Hóa học TP Đà Nẵng thông tin: Có thể 35 HS Trường Tiểu học số 1 Hòa Khương bị ngộ độc khí. Theo miêu tả, khi các em mở hộp slime ra có mùi hôi, tức là đã có chất khí độc gì đó được tạo thành từ hỗn hợp này. Chất khí này có thể được tạo thành do thời gian sản phẩm để quá lâu hoặc các thành phần chất mà HS trộn vào nhau có phản ứng”. GS.TS Đào Hùng Cường khuyến cáo: Tốt nhất, những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, HS không nên chơi. Và tuyệt đối HS không tự ý pha chế các hóa chất mà không có sự hướng dẫn đáng tin cậy.