Tiện nhưng không lợi, những hàng ăn vặt tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cũng như an toàn cho học sinh.
Quà vặt “ba không” hút học sinh
Trưa 19/4, một nhóm học sinh vừa tan học sà vào xe hàng rong bán đồ ăn vặt đứng ngay ngoài cổng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Các em tíu tít chọn mua đồ ăn là những xiên chả “hải sản” có giá 2.000 đồng/xiên. Vừa ăn, có em vừa tấm tắc: “Nước sốt ở đây là ngon nhất Hà Nội”. Những em khác vui vẻ “thưởng thức” những xiên chả nóng hổi được vớt ra từ chảo rán. Ở giỏ xe của người bán hàng là túi ni lông đựng nguyên liệu có tên “chả hải sản” với đủ màu sắc: Xanh, hồng, đỏ…
Người bán hàng cho biết, chị bán chủ yếu cho học sinh học ca sáng và ca chiều. Nguyên liệu là hàng đông lạnh mua ở chợ, khi nào học sinh ăn thì cho vào chảo dầu chiên lên, còn nước sốt là tương ớt mua ở quán phở về chế biến lại cho “vừa miệng”…
Phố Cửa Bắc (Hà Nội) có 2 trường: THCS Nguyễn Tri Phương và THPT Phan Đình Phùng. Không chỉ các xe hàng rong di động “hút” học sinh mà các quán ăn đối diện cổng trường cũng là nơi tụ tập của nhiều em khi hết ca học. Điều này ảnh hưởng đến trật tự giao thông mỗi khi học sinh tan học cũng như tình trạng mất mỹ quan đô thị khi học sinh túm năm, tụm ba đứng ăn quanh xe hàng rong hay ngồi ăn la liệt ở vỉa hè.
Em Nguyễn Thu Hằng - học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: Sau giờ tan học, các hàng ăn vặt trước cổng trường rất đông khách. Đồ ăn phong phú, ngon miệng, mùi thơm hấp dẫn, đặc biệt là giá thành rẻ hơn nhiều so với ăn trong cửa hàng, mua trong siêu thị. Dù biết là hàng bán vỉa hè, không rõ nguồn gốc, chúng em vẫn thường xuyên rủ nhau ăn…
Tương tự, ngay sau cổng Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) có nhiều hàng bán đồ ăn vặt. Ngoài một số hàng thuộc các gia đình nằm cạnh trường còn có các quầy “di động” bán đồ ăn vặt cho học sinh khi đến học và tan trường. Trên chiếc xe cút kít, đồ ăn được bày bán khá phong phú. Nhiều sản phẩm nhãn mác tiếng Trung Quốc (chân gà cay, mực khô, quẩy giòn…) có mẫu mã bắt mắt chỉ với giá 3.000 đồng/sản phẩm. Những túi bánh tráng trộn, có thời hạn sử dụng… 6 tháng chỉ 5.000 đồng/túi…
Giá rẻ lại đều là đồ “khoái khẩu” của giới trẻ, nên hàng bày ra là có học sinh vào mua. Người bán hàng “giới thiệu” một số túi hàng tiếng Trung Quốc là hàng nội địa, “bảo đảm” chất lượng.
Em Vũ Văn Thành - học sinh lớp 8, Trường THCS Tứ Liên bày tỏ: Nhà trường yêu cầu học sinh không mang đồ ăn lên lớp, nên chúng em tranh thủ ăn ngay tại xe hàng. Đồ ăn được đựng trong những chiếc cốc nhựa, bác bán hàng rất nhiệt tình, nhiều bạn cũng mua ăn nên em không lo lắng lắm…
Thực tế, không khó khăn để bắt gặp xung quanh nhiều cổng trường học có các hàng quán ăn vặt phục vụ nhu cầu của các học sinh. Từ các cửa hàng lớn do người dân sống ở đó kinh doanh, đến các xe đẩy di động bày bán các thể loại đồ ăn vặt giá chỉ từ 2.000 - 10.000 đồng/sản phẩm.
Mục sở thị sẽ thấy những món ăn này không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh từ khâu bảo quản đến chế biến thực phẩm, không cố định nơi bán. Thế nhưng, giới trẻ vẫn hào hứng “thưởng thức”. Thậm chí, nhiều học sinh đã được bố mẹ, thầy cô nhắc nhở và biết đây là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, nhưng vẫn mua ăn theo hiệu ứng đám đông và thói quen ăn quà vặt.
Phụ huynh tiếp tay?
Tại TPHCM, tình trạng hàng rong bao vây cổng trường cũng phổ biến. Sau giờ tan học, xung quanh cổng phụ của Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) có nhiều xe bán hàng rong như xúc xích, bánh tráng trộn, trà sữa, nước cam, nước ngọt, bánh ngọt, kẹo bông gòn… Nhiều phụ huynh khi đón con cũng tranh thủ mua cho con phần quà vặt và cũng không quan tâm nhiều đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh L.P, có con học khối 2, Trường Tiểu học Hồng Hà chia sẻ: Sau giờ tan học, có lúc cháu kêu đói, đòi ăn món này, món kia nên thỉnh thoảng tôi mua cho con một cây xúc xích hoặc chiếc bánh ngọt doreamon giá khoảng 15 ngàn đồng/chiếc với các vị khác nhau. Nước uống rẻ hơn khoảng 10 ngàn đồng/ly. Khi được hỏi có quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, phụ huynh này cũng như nhiều phụ huynh khác đều tỏ ra khá hời hợt và cho rằng “thấy con ăn ngon và ổn nên… yên tâm”.
Tương tự, tại Trường THPT Marie Curie (Quận 3, TPHCM), khu vực cổng phụ của trường ở đường Ngô Thời Nhiệm, giờ tan học đầy những chiếc xe đẩy bán đủ món mì cay, bánh mì, trà sữa, xúc xích, xoài lắc, bò viên chiên… Nhiều học sinh không ngần ngại cùng bạn bè mua đồ và thưởng thức ngay tại cổng trường. Một số em chia sẻ, mua đồ ăn gần trường tiện, rẻ và ngon miệng.
Tại Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM), do trường gần chợ xép nên đầu giờ sáng, cuối buổi chiều có rất nhiều “xe đẩy di động”, bán đủ các món đồ ăn vặt bủa vây học sinh.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các trường đều phối hợp với lực lượng chức năng địa bàn liên tục nhắc nhở, làm các bảng cấm, phối hợp kiểm tra và có nhiều buổi ra quân dẹp hàng rong nhưng rất khó để xử lý. Đơn cử như, khi thấy lực lượng chức năng, các xe đẩy, gánh hàng… di chuyển sang địa điểm đối diện ở địa bàn phường khác quản lý, hoặc tạm đi nơi khác, đợi lực lượng chức năng đi, họ quay lại bán.
Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: Nhà trường luôn nhắc nhở, giáo dục học sinh cũng như thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh về việc không nên mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Cụ thể là những gánh hàng rong, xe đẩy di động bán nhiều món ăn, thức uống có màu sắc bắt mắt nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Đồng thời trường cũng phối hợp với tổ dân phố hỗ trợ để dẹp các xe đẩy, hàng rong bán gần trường, tuy nhiên, rất khó để xử lý cũng như dẹp triệt để.